Dân chấm điểm cán bộ
Chính trị - Ngày đăng : 06:56, 13/07/2011
Đây là mô hình hay mà UBND quận 1 đang áp dụng nhằm đo chỉ số hài lòng của người dân để góp phần cải cách hành chính.
Người dân đến giải quyết hồ sơ tại UBND quận 1 được đón tiếp bằng những nụ cười. |
Công chức thân thiện
Đến làm giấy tờ hợp thức hóa nhà vào sáng 11-7, chị Nguyễn Thị Xuân hết sức thích thú khi thấy bảng khảo sát ý kiến khách hàng về quy trình, chất lượng cán bộ của UBND quận 1. Sau khi được tiếp nhận hồ sơ và giải thích về thủ tục, chị cầm biên nhận hồ sơ và ấn vào màn hình điện tử phần trả lời "thân thiện, lịch sự" và "giải thích dễ hiểu" đối với công chức tiếp nhận hồ sơ của mình.
"Máy chấm điểm cán bộ" là mô hình mà UBND quận 1 mới đưa vào thực hiện từ ngày 20-6. Theo đó, tại 11 ô cửa của tổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả là 11 màn hình cảm ứng, trên đó có những câu hỏi và trả lời để người dân "đánh giá" cán bộ. Các câu hỏi được gắn trực tiếp với một công chức đang làm việc tại đó. Vì vậy, đánh giá của người dân là đánh giá chính công chức đó khi đang thực hiện công việc cho mình. Để lựa chọn, người dân chỉ cần "sờ" vào màn hình cảm ứng, dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp về bộ phận xử lý của máy chủ cho lãnh đạo quận, còn công chức đang làm việc sẽ không biết mình đang được đánh giá như thế nào.
Tại phòng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, có hai bảng hướng dẫn khảo sát ý kiến khách hàng bằng máy điện tử để hai bên rõ ràng cho người dân đến giao dịch được biết đến "máy chấm điểm". Có 3 câu hỏi được "chấm điểm" và dưới mỗi câu hỏi có câu trả lời để lựa chọn đánh giá. Trong đó, hai câu là nhận xét, đánh giá chung với UBND quận 1 về thời gian trả hồ sơ so với biên nhận hồ sơ, gồm có câu khảo sát: "Đúng hẹn - Không đúng hẹn"; câu thứ hai về việc niêm yết công khi thủ tục hành chính, biểu mẫu thì được tham khảo với ý kiến: "Rõ ràng - Không rõ ràng". Đối với công chức tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ thì câu hỏi tập trung vào thái độ, tác phong: "Thân thiện, lịch sự - Không thân thiện, lịch sự"; và về năng lực làm việc, với câu "chấm điểm" đánh giá cán bộ đó giải thích: "Dễ hiểu - Không dễ hiểu".
Sau 3 tuần thực hiện, UBND quận 1 cho biết kết quả rất khả quan khi số người tham gia đánh giá liên tục nhiều lên so với số người đến giao dịch. So với trước đây, mỗi tuần chỉ nhận được khoảng 40 thư góp ý được bỏ vào thùng, thì với hình thức "máy chấm điểm", qua 3 tuần đã có hơn 1.074 ý kiến đánh giá, nhận xét cán bộ. Trong đó, có 1.063 ý kiến đánh giá hài lòng (chiếm 98,9%), chỉ có 1,1% không hài lòng.
Mô hình cần nhân rộng
Chị Xuân cho biết rất hài lòng với quy trình giám sát công chức rõ ràng của UBND quận 1. Việc công khai này sẽ buộc công chức phải nhiệt tình hơn. Cũng thích thú với màn hình "chấm điểm", nhưng anh Nguyễn Minh Tín, đang làm giấy tờ nhà đất ở đây cho rằng sẽ "tuyệt" hơn nữa khi các công đoạn giấy tờ được thực hiện đúng chỉ "một cửa", giảm thời gian đi lại và bớt thủ tục cho người dân.
Tại ô cửa tiếp nhận hồ sơ của lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, công chức tiếp dân sáng 11-7 là Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết, việc "giám sát" cán bộ, công chức của UBND quận 1 đã được thực hiện từ lâu, qua các camera gắn trong phòng, có cả ghi âm để lãnh đạo giám sát trực tiếp công việc tiếp dân của các nhân viên. Vì vậy, việc gắn thêm màn hình cảm ứng điện tử để đánh giá cũng đã thành… quen, không cần phải cố gắng "thích ứng" với nó. Còn ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết: Sau thời gian thử nghiệm, quận sẽ triển khai mô hình "máy chấm điểm" tại 10 phường trên địa bàn để công tác tiếp dân được tốt hơn.
Ông Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một mô hình hay, cần khuyến khích triển khai để người dân góp ý, giám sát chính quyền, góp phần cải thiện công tác cải cách hành chính. Ông Sen cũng lưu ý, vì "máy chấm điểm" không lưu lại tên họ người góp ý, nên lãnh đạo quận cần có đồng thời những biện pháp giám sát khác trong quản lý, đừng để bị "rối". Những ý kiến của người dân vẫn chỉ là kênh góp ý, tham khảo, việc quản lý vẫn thuộc về những con người có chức trách, trách nhiệm. Vì vậy, việc thực hiện phải thật chú ý để không chỉ tạo ra những "nụ cười trước camera" mà phải từ mỗi bản thân cán bộ, công chức thấy được trách nhiệm phục vụ nhân dân của mình.