Điểm đến mới của cơn bão nợ

Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 13/07/2011

(HNM) - Thị trường chứng khoán đỏ rực từ châu Âu đến Mỹ, đồng euro rớt giá so với USD khiến các nhà lãnh đạo tài chính Lục địa già lại vừa phải họp khẩn (ngày 11-7) khi có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ tại châu lục tiếp tục có chiều hướng xấu đi.

Tuy nhiên, không phải Hy Lạp với những bế tắc về gói cứu trợ thứ hai, cũng không là Bồ Đào Nha đang muốn tìm kiếm hỗ trợ lần nữa, mà Italia với mức nợ công lên đến 120% GDP mới là đề tài nóng nhất được những nhà hoạch định tài chính châu Âu hiện nay quan tâm.

Người dân Italia biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp cao tại thủ đô Roma.


Đã xuất hiện những đồn đoán về sức bền của nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong bối cảnh một chính trường luôn lục đục, thế nhưng đây là lần đầu tiên, Italia được giới lãnh đạo châu Âu chỉ ra như một đích đến mới nhất của cơn bão nợ. Nỗi lo sợ hoàn toàn không vô căn cứ. Kể từ cuối năm ngoái đến nay, lãi suất đi vay của đất nước hình chiếc ủng đang tăng lên từng ngày và giao dịch kỳ hạn 10 năm hiện đã thêm 2,36%, lên 5,27%. Niềm tin vào năng lực tài chính của Roma giảm sút nhanh chóng khi khoảng cách lợi suất trái phiếu chính phủ Italia và Đức đã được nới lên 236 điểm, mức cao nhất kể từ khi đồng euro đi vào lưu hành. Những đồn đoán về khả năng kinh đô thời trang của châu Âu chẳng bao lâu nữa sẽ không đủ sức gánh vác các món nợ đang nặng trĩu đã dẫn tới làn sóng bán tháo trái phiếu và cổ phiếu ngân hàng Italia ồ ạt chưa từng có suốt tuần qua. Cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư đã đánh thức các nhà lãnh đạo châu Âu cho dù đang bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần của Hy Lạp. Lục địa già nhận ra rằng, đã đến lúc phải chăm sóc Roma trước khi mọi việc vượt tầm kiểm soát.

Thế nhưng, để ngăn Italia không rơi vào quỹ đạo của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha thì không thể chỉ bằng quyết tâm chính trị. Đất nước nổi tiếng với sự hùng mạnh của các băng nhóm mafia đang tỏ ra quá yếu trước các mục tiêu kinh tế. Trong lúc châu Âu tăng trưởng trung bình 0,8%, Roma ì ạch với tỷ lệ GDP ở con số chót 0,1%. Mức thất nghiệp của giới trẻ trong quý II vọt lên 29,6% cũng được xem là yếu huyệt có thể đánh gục mọi nỗ lực hồi sinh của Italia. Hiểm họa tiềm tàng này được cho là khó có thể bị dập tắt khi Chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi vừa phải theo bước nhiều quốc gia châu Âu để đưa ra chính sách "thắt lưng, buộc bụng". Kế hoạch tiết kiệm 51 tỷ euro nhằm cân bằng ngân sách trong vòng 3 năm tới được Roma hy vọng như một lá chắn cản đà phát triển của cơn lốc nợ có tâm điểm từ xứ sở Thần thoại.

Mặc dù vậy, giải pháp không mới của người Italia khó trấn an cơn hoảng loạn đã lan khắp thế giới. Thật khó thuyết phục rằng với kế hoạch kéo tụt tăng trưởng và thổi phồng bất ổn xã hội, Italia sẽ thực hiện được trách nhiệm tài chính với gần 2.000 tỷ euro nợ quá hạn hiện có. Đừng nói tới việc đất nước Hình chiếc ủng có thể tự lo lấy thân, kể cả châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng dồn sức cũng không dễ thu xếp được một khoản hỗ trợ chiếm phần không nhỏ trong GDP của cả châu lục giữa lúc đã phải đổ không ít tiền của để giúp Athens, Dublin và Lisbon khỏi gục ngã. Khả năng kinh tế hạn hẹp đã khiến mức xếp hạng tín dụng đã rất thấp, Aa2 mà Italia sở hữu xuất hiện trong danh sách cần theo dõi sát sao của Hãng xếp hạng Moody's.

Thay vì Hy Lạp, trọng tâm của gánh nặng nợ nần bắt đầu chuyển dịch sang Italia. Có lý do để lo lắng về nguy cơ Roma sẽ không chịu nổi sức ép nợ nần với tình hình tài chính bấp bênh. Nếu một cột trụ quan trọng này của Eurozone không thể trụ vững, khoảng trống kinh tế tại Cựu lục địa là không dễ khỏa lấp. Dù niềm tin châu Âu sẽ bằng mọi giá để duy trì vị thế một trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới đang là động lực cho các thị trường toàn cầu là có thực; song số phận của Italia vẫn sẽ là một thử thách lớn với tương lai khó đoán của một châu Âu hợp nhất.

Vân Khanh