Lỗ hổng thiếu hiểu biết pháp luật

Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 12/07/2011

(HNM) - Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) ra đời đã góp phần cảnh tỉnh những người chồng, người cha độc ác, vũ phu. Dù vậy, hơn 3 năm qua, công tác triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ mới dừng ở việc tuyên truyền, nên các chế tài xử phạt hành vi BLGĐ hầu như chưa được thực hiện nghiêm túc. Điều đó đã khiến BLGĐ có chiều hướng gia tăng.

Điều đó đã khiến BLGĐ có chiều hướng gia tăng. Trong nhiều nguyên nhân, sự thiếu hiểu biết về pháp luật đang khiến cho BLGĐ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Người dân và chính quyền đều thiếu hiểu biết pháp luật



Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình tại Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ, Bệnh viện Đức Giang. Ảnh: Linh Tâm



Hành vi BLGĐ hiện xảy ra khá phổ biến, gây nhức nhối, bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân. Mặc dù Luật PCBLGĐ khẳng định BLGĐ là vấn đề xã hội, đã quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhưng chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở nhiều nơi vẫn tránh né, cho rằng đây là chuyện riêng của mỗi gia đình. Gần đây, vụ bé Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1999, ở Đức Hậu, Đức Hòa, Sóc Sơn, Hà Nội) mà Báo Hànộimới mới phản ánh là một ví dụ điển hình. Ngay từ năm lên 3 tuổi (2002), Thúy đã bị cha hành hạ rất dã man. Nếu UBND xã thực hiện theo chức năng, có biện pháp ngăn chặn, cách ly ngay từ đầu, thì chắc chắn bé Thúy đã không bị tổn thương cả thể xác và tinh thần.

Theo bà Lê Thị Ngọc Bích, chuyên gia tư vấn của Ngôi nhà bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam), rất nhiều nạn nhân BLGĐ vì không hiểu biết pháp luật nên cam chịu bị đánh đập, xỉ nhục, bạo hành tình dục trong nhiều năm liền. Bên cạnh đó, những người gần gũi trong gia đình, hàng xóm cũng không hiểu luật nên coi đấy là việc riêng của gia đình, không can thiệp. Do không được giải quyết theo luật ngay từ ban đầu, hầu hết các vụ BLGĐ đều gây hậu quả nghiêm trọng cho phụ nữ, trẻ em.

Từ kinh nghiệm nhiều năm tham gia tư vấn cho nạn nhân BLGĐ, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết: Tất cả nạn nhân từng được ông hỗ trợ đều thiếu kiến thức về luật pháp. Chính điều này là nguyên nhân khiến họ không biết làm thế nào để tự bảo vệ mình, dẫn tới hậu quả bị thiệt hại nặng nề về sức khỏe, tài sản, hạnh phúc. Luật sư khẳng định rằng: Đây cũng là nguyên nhân khiến hành vi bạo lực không bị phát hiện, xử lý, hoặc không thể xử lý về hình sự.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Qua nhiều hội thảo, các chuyên gia cho rằng: Để Luật PCBLGĐ đi vào cuộc sống, ngăn chặn hiệu quả BLGĐ, biện pháp hàng đầu là tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới trong gia đình, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi BLGĐ, tạo dư luận cộng đồng lên án mạnh mẽ các hành vi BLGĐ. Cả 3 biện pháp này đều phải dựa trên sự hiểu biết, vận dụng pháp luật của chính quyền, đoàn thể cơ sở và cộng đồng, người dân. Trong khi đó, theo báo cáo kết quả nghiên cứu "Đánh giá việc thực hiện Luật PCBLGĐ" do tổ chức Mạng giới và phát triển cộng đồng (GENCOMNET), Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) phối hợp thực hiện tại 4 địa phương Yên Bái, Hà Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh từ tháng 7-2010 đến tháng 12-2010, việc tuyên truyền về Luật PCBLGĐ mới chỉ dừng ở mức chung chung. Trong vòng nửa năm có gần 1/4 số thôn, tổ dân phố được khảo sát "chưa có" hoặc "có cũng như không" việc tuyên truyền về nội dung PCBLGĐ. Cũng theo báo cáo này, các biện pháp tuyên truyền về luật chưa phát huy được tác dụng, hiệu quả mong muốn. Trong số 10 biện pháp phòng, chống BLGĐ, "tuyên truyền trên loa đài" là phổ biến nhất, bởi thiếu kinh phí. Điều này giải thích một phần nào tỷ lệ đáng kể số người "chưa biết" về Luật PCBLGĐ và "nhận biết chưa đúng" về hành vi BLGĐ.

Muốn nâng cao nhận thức về Luật PCBLGĐ, cần phải đổi mới các hình thức giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi trong thực hiện luật và bình đẳng giới; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền. Theo Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) TS Tạ Thị Minh Lý, cần phải tăng chế tài xử phạt, tạo sức răn đe, bao gồm: cảnh cáo, công bố về vi phạm trước công chúng, khởi tố hình sự... đối với những trường hợp BLGĐ. Trên thực tế, đây là biện pháp hiệu quả nhất. Song song với các biện pháp trên, luật và chính sách liên quan cần liên tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao vai trò của hội phụ nữ, thu hút sự tham gia của nam giới, tăng cường trách nhiệm phối hợp liên ngành của các cơ quan, tổ chức các cấp...

Nguyễn Linh