Light nỗ lực thay đổi nhận thức

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:11, 12/07/2011

(HNM) - Những năm gần đây sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS, SKTD) được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn còn mới mẻ với thanh niên (TN) và trẻ vị thành niên (VTN) các dân tộc ít người, ở vùng sâu, vùng xa.

Đầu năm 2008, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light) đã triển khai dự án "Sử dụng phương pháp cùng tham gia để xác định các vấn đề SKSS, SKTD trong thanh, thiếu niên dân tộc tỉnh Yên Bái và Sơn La. Sau hơn 3 năm thực hiện với nội dung: xây dựng năng lực các đối tác địa phương; tăng cường đối thoại về giới và tình dục giữa các nhà lãnh đạo và thanh niên; tăng cường tiếp cận thông tin và dịch vụ SKSS, SKTD của thanh niên... dự án đã giúp TN, VTN ở các địa phương trên bước đầu thay đổi nhận thức.

Tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho thanh niên, phụ nữ tỉnh Sơn La.

Bác sỹ Lê Văn Thành, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cho biết: Dự án đã có ảnh hưởng tốt đến việc thay đổi một số tập quán "ăn sâu, bén rễ" của địa phương như nạn tảo hôn". Nhiều bé gái mới 14, 15 tuổi đã làm mẹ ở những bản làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nạo hút thai ở tuổi VTN rất đáng báo động. Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tỷ lệ mắc vô sinh ở giới trẻ... Những khái niệm về SKSS, SKTD đã giúp mọi người mạnh dạn nói chuyện xưa nay vốn được xem là "vẽ đường cho hươu chạy".

Mộc Châu đã xây dựng được trung tâm nguồn, thực chất là cơ sở dịch vụ của Khoa Chăm sóc SKSS. Nhiều trẻ VTN, TN đã "dám" đến tư vấn ở trung tâm. Trong 3 năm, trung tâm đã thực hiện dịch vụ cho 156 khách hàng tuổi VTN. Trung tâm cũng đã truyền thông trực tiếp cho 2.640 lượt người trong độ tuổi VTN các kiến thức về SKSS, SKTD, phòng chống HIV/AIDS... Những nỗ lực đó giúp nạn tảo hôn ở Mộc Châu giảm rõ rệt. TN các dân tộc đã biết dùng thuốc tránh thai, bao cao su mà không ngại ngùng.

Dự án được triển khai ở tỉnh Yên Bái cũng đạt nhiều kết quả tốt. Theo bác sỹ Lê Đình Tiến, Giám đốc y tế huyện Văn Yên thì đối tượng nam giới chưa tiếp cận nhiều dịch vụ vì tâm lý e ngại. Một phần do thiếu cán bộ y tế và chưa triển khai được dịch vụ về nam học. Đánh giá kết quả chung, bác sỹ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Light cho biết, bước đầu đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo địa phương và các ban, ngành liên quan. Người dân, VTN, TN sau thời gian đầu e ngại đã tích cực tham gia vào các hoạt động. Tuy nhiên, do địa hình miền núi, nhất là mùa mưa lũ, việc tổ chức các hoạt động bị gián đoạn. Đối tượng hưởng dự án là người dân tộc, nhưng một số thành viên tham gia không nói được ngôn ngữ các dân tộc nên còn bị hạn chế tới kết quả.

Mới đây tại Hà Nội, Viện Light đã tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả của dự án. Các địa phương đều mong muốn tổ chức CARE quốc tế tiếp tục tài trợ giai đoạn II của dự án để việc tuyên truyền thực sự bén rễ sâu vào cộng đồng các dân tộc nhằm thay đổi thực sự nhận thức, hành vi của VTN, TN.

Thuận Thi