Nợ đọng BHXH - Bao giờ hết nghịch lý?
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:27, 12/07/2011
Để "nói chuyện phải trái", nhiều đơn vị BHXH cực chẳng đã phải vác đơn đi kiện. BHXH thành phố Hà Nội cũng vừa hoàn tất thủ tục để tới đây bắt đầu đợt khởi kiện thứ hai các doanh nghiệp chây ì, trốn tránh. Trên thực tế, các bên lẽ ra không cần phải "đáo tụng đình" nếu như nhiều kẽ hở được bịt kín.
Những khoản nợ khó đòi
Những cái tên Công ty Tư vấn và xây dựng Đông Hải, Công ty TNHH Tiến Bộ, Công ty CP Cavico xây dựng cầu hầm, Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình giao thông 874… đã trở nên "quá quen" với BHXH thành phố Hà Nội. Đây đều là những "điển hình" nợ đọng BHXH với số tiền từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, thời gian kéo dài vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Khi doanh nghiệp cố tình không nộp BHXH thì người chịu thiệt thòi nhất luôn là người lao động. Ảnh: Ngọc Hà |
Nợ đọng BHXH đang được coi là "căn bệnh mạn tính", xảy ra ở hầu hết địa phương trên cả nước, trong đó Hà Nội có tỷ lệ nợ đọng tương đối lớn. Theo BHXH thành phố Hà Nội, tính đến tháng 6-2011, dư nợ BHXH lên tới 788 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ đọng kéo dài, số nợ lớn tập trung chủ yếu ở các đơn vị thuộc các ngành xây dựng, cầu đường, cơ khí, giao thông, dệt may. Chỉ riêng số đơn vị nợ lâu hơn 12 tháng, mức nợ trên 1 tỷ đồng, đã là 61, tổng số nợ khoảng 160 tỷ đồng - ông Trương Trọng Thắng, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội, cho biết.
Cũng theo ông Thắng, có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào cảnh sống dở chết dở, đặc biệt là những đơn vị xây dựng, giao thông. Mặt khác, do lãi suất nộp chậm tiền BHXH thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng nên doanh nghiệp chẳng dại gì "tích cực" đóng BHXH. Nhiều doanh nghiệp lại trốn đóng BHXH cho người lao động bằng cách không "khai" hết số lao động hoặc ký các hợp đồng thời vụ. Kết quả thanh tra 100 đơn vị vừa qua của cơ quan chức năng cho thấy có khoảng 1.100 lao động không được đóng BHXH. Điều đặc biệt là dù đóng trên địa bàn Hà Nội nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là đơn vị nhỏ, lại nhận thức rất kém về nghĩa vụ này - ông Thắng đánh giá.
Kết quả là dù cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền… nhưng số đơn vị nợ BHXH lớn, thời gian nợ lâu trên 12 tháng vẫn chưa giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Kiện - Cực chẳng đã
Công ty Tư vấn và xây dựng Đông Hải, Công ty TNHH Tiến Bộ, Công ty CP Cavico xây dựng cầu hầm, Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình giao thông 874… nằm trong số 11 doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài từ 14 đến 46 tháng, với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng, bị các BHXH quận, huyện ở Hà Nội đưa ra tòa quý III năm 2010. Đây cũng là lần "khởi động" của các đơn vị BHXH nhằm đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động. 9 vụ được tòa án hòa giải thành công, doanh nghiệp chịu đóng số tiền nợ đọng. Riêng vụ BHXH quận Hoàng Mai kiện Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 8 nợ hơn 1 tỷ đồng đã 46 tháng (thời điểm khởi kiện) bị tòa trả lại đơn do doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở địa bàn khác (quận Cầu Giấy). Trường hợp Công ty CP Cavico xây dựng cầu hầm bị xử thua nhưng đến nay cũng mới chỉ đóng được 1 tỷ đồng (nợ hơn 1,8 tỷ đồng).
Khẳng định kiện, đưa doanh nghiệp nợ đọng BHXH ra tòa là giải pháp cực chẳng đã nhưng Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Trương Trọng Thắng nhìn nhận, "thái độ của doanh nghiệp có thay đổi". Ngày 29-6-2011, BHXH thành phố Hà Nội lại ra Thông báo số 735/BHXH-KT về việc khởi kiện đơn vị nợ BHXH đến BHXH các quận, huyện… Theo đó, hết quý III năm 2011, mỗi đơn vị quản lý thu sẽ khởi kiện ít nhất hai đơn vị sử dụng lao động vi phạm. Còn đến thời điểm này, BHXH Hà Nội đã hoàn tất thủ tục khởi kiện 3 doanh nghiệp do BHXH Từ Liêm quản lý là: Công ty CP Cavico Điện lực tài nguyên (nợ 40 tháng, số tiền hơn 2,5 tỷ đồng), Công ty CP Cavico khoáng sản và công nghiệp (nợ 19 tháng, số tiền hơn 319 triệu đồng), Công ty CP Cavico giao thông (nợ 26 tháng, số tiền hơn 2 tỷ đồng).
Hình sự hóa - "thuốc đặc trị"
Lẽ ra các đơn vị BHXH và doanh nghiệp không cần phải "đáo tụng đình" nếu như nhiều kẽ hở được bịt kín. Chẳng hạn, lãi suất quy định đối với doanh nghiệp chậm đóng chỉ 10,5%/năm (số tiền nợ), trong khi lãi suất vay vốn ngân hàng thực tế cao hơn rất nhiều, thậm chí gấp 3 lần nhiều tháng nay. Đây chính là "động lực" thôi thúc doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH làm vốn. Mặt khác, chế tài xử phạt hành chính đơn vị vi phạm lại quá nhẹ, mức phạt cao nhất chỉ 30 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng… chịu phạt ở mức cao nhất và trả lãi suất nợ BHXH thay vì nộp đúng hạn. Đã thế, ông Thắng lại thừa nhận: - Muốn xử phạt hành chính phải tích cực kiểm tra, nhưng hầu như ít có sự phối hợp giữa Liên đoàn Lao động địa phương và cơ quan BHXH.
Ông Thắng kiến nghị: Cái gốc của vấn đề vẫn là phải xử lý lãi suất nộp chậm. Nếu như doanh nghiệp được quyền lựa chọn giữa phạt lãi nộp chậm so với lãi suất vay vốn ngân hàng thì họ tiếp tục chây ì, lần lữa.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì chây ì, dây dưa, thậm chí cố tình trốn tránh đóng BHXH - "căn bệnh mạn tính" liệu có được "điều trị" hiệu quả? Trên thực tế, đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về hành vi nợ, trốn tránh đóng BHXH. Theo đó, cần hình sự hóa các vụ trốn, nợ đọng kéo dài tiền BHXH. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi theo quy định, đơn vị sử dụng lao động chủ động trích 6%, đồng thời có nghĩa vụ đóng 16% tiền lương hàng tháng của người lao động cho BHXH nên "trốn, nợ" BHXH phải được nhìn nhận là hành vi cố ý làm trái, chiếm dụng vốn, xâm hại quyền lợi của người lao động để trục lợi. Khi đã làm trái quy định của pháp luật, đã xâm hại đến lợi ích được pháp luật bảo vệ của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội thì tại sao lại coi đó chỉ như một giao dịch dân sự, tại sao lại để tồn tại nghịch lý: Nhà nước kiện dân sự với doanh nghiệp?