Metro Hà Nội: Đảm bảo đủ vốn dù đội thêm 1,5 lần

Xã hội - Ngày đăng : 14:52, 11/07/2011

Theo kế hoạch, dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội - tuyến số 3) sẽ được hoàn thành vào ngày 31/12/2016.


Dự án này có tầm quan trọng không chỉ với Hà Nội mà với cả nước vì nó sẽ giúp Hà Nội sánh ngang tầm các nước khác,đáp ứng được sự phát triển của Thủ đô, đồng thời giảm khí thải carbon, giảm ùn tắc giao thông...

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Marie-Cécile Tardieu-Smith, Tham tán kinh tế, Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam về nguồn vốn và tiến độ hoàn thành dự án.

- Với tư cách là Trưởng Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp hỗ trợ tài chính của Chính phủ Pháp (Bộ Kinh tế - Tài chính và Công nghiệp Pháp, Cơ quan phát triển Pháp) bà có thể cho biết dự án được triển khai như thế nào?

Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith: Theo bản thiết kế tổng thể, dự án có chiều dài 12,5km (8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm) với 1 đề pô, 8 ga trên cao, 1 dốc chuyển tiếp và 4 ga ngầm. Chúng tôi sẽ tiến hành làm việc theo từng giai đoạn và từng phần.

Cụ thể bao gồm: chương trình khảo sát địa chất công trình chia làm 3 giai đoạn năm 2006 đã nghiên cứu khả thi bằng 5 lỗ khoan cứ 800/1000m có 1 lỗ khoan, năm 2008 làm thiết kế cơ sở bằng 21 lỗ khoan cứ 400/500m 1 lỗ khoan. Đến năm 2011, thiết kế kỹ thuật bằng 59 lỗ khoan cứ 150/300m 1 lỗ khoan.

Chiều sâu của các lỗ khoan nằm trong phạm vi từ 30 m đến 57 m.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, khoảng cách giữa các lỗ khoan được giảm xuống nhằm để hiểu rõ hơn về các điều kiện địa chất và để đảm bảo thiết kế an toàn khi vị trí chính xác của các kết cấu (tuyến hầm, các ga, các móng cọc…).

Theo tiến độ dự án, tháng 11 năm 2011 sẽ khởi công xây dựng các công trình kiến trúc của De pô.

Cuối tháng 2 năm 2012, triển khai thi công phần trên cao. Tháng 11 năm 2012, triển khai thi công phần ngầm.


Năm 2016, Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được đưa vào hoạt động.


Hiện nay chúng tôi đang tiến hành công tác khảo sát địa chất công trình. Bởi công tác khảo sát địa chất nhằm mục đích chuẩn bị thiết kế kỹ thuật cho các ga ngầm và các đường hầm thuộc phần ngầm của tuyến. Thông qua công việc khảo sát sẽ đảm bảo an toàn và hiệu quả thi công các công trình sau này như ga ngầm và hầm ngầm.

Trong quá trình thực hiện khảo sát và thi công, các đơn vị sẽ sử dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, việc thi công dự án sẽ được giám sát từng ngày một đảm bảo an toàn đúng kĩ thuật và thiết kế.

Các đơn vị hữu quan liên quan sẽ xây dựng chiến lược xem dự án cần làm những gì, làm đến đâu để đảm bảo không bị “tắc”.

- Đường sắt đô thị đi trên cao và ngầm qua các tuyến phố Hà Nội. Theo bà, việc xây dựng có ảnh hưởng đến không gian xung quanh và kiến trúc khu phố?

Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith: Trong việc khảo sát địa chất, các công nghệ hiện đại sẽ giảm thiểu bề mặt ảnh hưởng ở trên mặt đất để khi đào hầm nhà cửa không bị ảnh hưởng.

Đoạn đi ngầm gồm 2 ống hầm, mỗi ống hầm rộng khoảng 6,3 mét, nằm cách nhau chừng 16 mét. Tùy địa chất của từng khu vực mà hầm có thể nằm cách mặt đất 15-30m.

Sau khi đào, máy sẽ xây dựng đoạn hầm phía sau nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đối với bề mặt.

Khi máy hoạt động cũng không gây tiếng ồn thông qua 2 ống ngầm nằm ngang được đặt dưới lòng phố.

- Hà Nội thường xuyên bị ngập lụt, vậy khi tiến hành xây dựng và đưa đường sắt đô thị chạy trong hầm, công tác chống “ngập”, trục trặc kỹ thuật có được tính đến?

Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith: Hệ thống metro được xây dựng đảm bảo điều kiện hoạt động khi điều kiện thời tiết bất thường.

Theo đó, hệ thống ngầm sẽ được xây dựng giếng và đường ống. Khi mưa đổ xuống nước sẽ được đổ ra sông, hồ.

Bên cạnh đó, nhà ga sẽ được xây nhà ga cao hoặc sâu hơn để nước không thể vào được.

Khi mất điện sẽ có nguồn điện dự trữ để tàu hoạt động. Ngoài ra, Metro cũng tính đến các số liệu động đất ở Việt Nam.

- Việc dự án bị chậm tiến độ đã làm tăng số vốn đầu tư vào tuyến metro đầu tiên của Hà Nội tới 1,5-1,7 lần so với ban đầu. Số vốn này sẽ được bổ sung từ những nguồn nào?

Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith: Dự án đúng là có sự chậm tiến độ do chưa có tổng thể mới. Dự án metro rất phức tạp, nhiều nước trên thế giới thường xuyên bị chậm. Đặc biệt đây lại là dự án thí điểm nên việc triển khai chắc chắn không thể tránh khỏi chậm trễ.

Dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến chi phí do biến động giá cả. Hiện nay, các đơn vị đang đánh giá, nghiên cứu về các chi phí đội giá và làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Từ tháng 5/2011, dự án không chậm tiến độ gì sau khi có bản tiến độ tổng thể. Kế hoạch tiến độ này cần phải được tuân thủ chặt chẽ để có thể đưa tuyến đường sắt đô thị số 3 đi vào vận hành vào cuối năm 2016.

Về tổng giá trị dự án, hiện chưa tính được chính xác các chi phí xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 do chưa có quyết định cuối cùng về công nghệ hoặc những chi phí liên quan, chẳng hạn như đường lên xuống tại các ga ngầm và trên cao có lắp thang máy cuốn hay không.

Chi phí cụ thể toàn dự án chỉ biết sau khi tổng gọi thầu vào tháng 9/2011. Phía Chính phủ Pháp không lo lắng về vấn đề đội chi phí này.

Dự án này nhận được sự ủng hộ tài chính quan trọng của các nhà tài trợ lớn như Bộ Kinh tế - Tài chính và Công nghiệp Pháp, Cơ quan phát triển Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á, và Ngân hàng đầu tư châu Âu.

Hiện, dự án có dấu hiệu khả quan trong việc thu hút vốn với các doanh nghiệp khi tiến hành mở thầu các gói. Doanh nghiệp biết thời gian thực hiện trong thời gian bao nhiêu lâu và có cái nhìn tổng thể để đầu tư hợp lý.

- Các nhà tài trợ lo việc giải phóng mặt bằng, phần ngầm chậm đã ảnh hưởng đến việc “rót” vốn dự án. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên dồn vốn để tập trung làm dứt điểm một số hạng mục cần triển khai trước?

Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith: Hà Nội sẽ tiến hành làm gói thầu số 1 (De po), gói số 2 (đường trên cao) trước tiên ngay khi bắt đầu tiến hành gọi thầu vào tháng 9 tới đây, đấy là điều bình thường và khả thi trong tổng thể dự án.

Bên cạnh đó, Phía tư vấn Systra đã nghiên cứu kỹ lưỡng để thực hiện tàu điện ngầm dưới đất để tránh giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, để giảm chi phí, các đơn vị cũng đang nghiên cứu trong việc cắt giảm các khoản mục đầu tư ở các giải pháp kỹ thuật không cần thiết như: ga dùng cầu thang bộ thay vì dùng cầu thang máy…

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp về vốn mà còn chia sẻ những kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành của Việt Nam về đào tạo kĩ thuật cũng như quản lý dự án bởi Metro là dự án phức tạp và quan trọng./.

(Vietnam+)