Nhiều chỉ số khả quan

Đời sống - Ngày đăng : 07:38, 11/07/2011

(HNM) - Kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư năm 2010 được triển khai trên cả nước với quy mô mẫu 69.360 hộ trong 3 quý cuối của năm 2010 và quý I-2011 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nhiều vấn đề về mức sống của người dân ở các vùng và các nhóm thu nhập.

Cuộc trò chuyện với TS Bùi Trường Giang, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam của phóng viên Hànộimới cho thấy những điều đáng lưu ý từ kết quả cuộc khảo sát này.

Với nguồn thu nhập hiện tại, nhiều người dân đã sử dụng các dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong ảnh: Khách du lịch Việt Nam tham quan đất nước Thái Lan.

-  Theo kết quả khảo sát mức sống hộ dân cư năm 2010, chi tiêu thực tế (chi tiêu sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) thời kỳ 2008-2010 tăng 14,1% mỗi năm, cao hơn mức tăng 7,9% mỗi năm của thời kỳ 2006-2008 và mức 5,2% của thời kỳ 2004-2006. Xét về mặt xã hội, sự gia tăng này có phải là một tín hiệu tốt không thưa ông?

- Theo tôi được biết, trong cuộc khảo sát trên, chi tiêu là một chỉ tiêu được điều tra ở 9.399 hộ trong tổng số 69.360 hộ được khảo sát. Như vậy, tính đại diện về chỉ tiêu “chi tiêu thực tế” của mẫu điều tra cũng có giới hạn, khó có thể khái quát hóa cho tổng thể dân cư trong xã hội. Tuy nhiên, xét từ góc độ phát triển, chi tiêu của người dân tăng nhanh hơn chứng tỏ họ đã và đang được hưởng lợi từ các thành quả của tăng trưởng kinh tế, nhờ có thêm việc làm và tạo được thu nhập. Mặt khác, mức tăng chi tiêu thực tế với tốc độ nhanh hơn các kỳ quan sát trước đó cho thấy, thu nhập và mức sống nhìn chung được cải thiện. Điều này có được là nhờ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đã góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho người dân, nguồn thu nhập của họ có thể dành cho các khoản chi khác. Bên cạnh đó, mức chi tiêu thực tế tăng nhanh cũng hàm ý, mức tiết kiệm của hộ dân cư có thể giảm xuống trong trung và dài hạn, nếu mức tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng tiêu dùng... Như vậy, đây là một tín hiệu tốt nhưng cần đón nhận nó một cách “thận trọng”.

- Tính ra trong mỗi năm của giai đoạn 2008-2010, chi tiêu bình quân của người dân tăng 23,6% trong khi mức thu nhập chỉ tăng 18,1%. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

- Chi tiêu bình quân của người dân tăng nhanh hơn tốc độ tăng bình quân của thu nhập dân cư một mặt thể hiện người dân an tâm về công việc và nguồn thu nhập, mạnh dạn tiêu dùng cho hiện tại. Mặt khác, nó phản ánh một điều, nếu có các cú sốc kinh tế xảy ra, mức độ chênh lệch giữa chi tiêu và thu nhập doãng ra và duy trì trong một thời gian dài thì tỷ lệ tiết kiệm trong xã hội sẽ giảm xuống. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các nguồn lực nội sinh cho tăng trưởng tương lai của nền kinh tế. Tỷ lệ tiết kiệm trong dân cư thấp sẽ làm giảm nguồn lực đầu tư cho thế hệ tương lai, dẫn đến nguy cơ phát triển thiếu bền vững.

- Mức chi tiêu cho đời sống ở khu vực thành thị gấp 1,94 lần ở khu vực nông thôn. Hệ số này ở thời kỳ 2006-2008 là 2,03 lần, 2004-2006 là 2,06 lần. Điều đó có nghĩa là khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đang được thu hẹp?

- Nếu xét trong giai đoạn 2004-2010 và chia thành ba mốc thời gian như vậy thì có thể hiểu: Thứ nhất, thu nhập ở khu vực thành thị đã bước vào mức thu nhập trung bình và đang gia tăng tích lũy cho đầu tư tương lai, thay vì tăng tiêu dùng thiết yếu. Thứ hai, thu nhập ở khu vực nông thôn bắt đầu “bùng nổ” do quá trình công nghiệp hóa ở địa phương, đô thị hóa các vùng miền và người dân nông thôn bắt đầu gia tăng tiêu dùng. Thứ ba, các năm 2008-2010 trùng với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước, do đó nhìn chung các nhóm xã hội, ở thành thị cũng như nông thôn, có xu hướng tiết kiệm hơn trong tiêu dùng, đặc biệt là những hàng hóa dịch vụ tiêu dùng có độ co giãn lớn về giá cả. Giá trị tuyệt đối vẫn tăng cao nhưng tỷ lệ tương đối giữa hai nhóm có thể giảm.

- Khảo sát cũng cho thấy, nhóm hộ giàu nhất có mức chi tiêu những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ngoài ăn uống lớn gấp 7,5 lần so với nhóm hộ nghèo nhất. Đặc biệt chi tiêu trong lĩnh vực chi văn hóa thể thao giải trí gấp 131 lần. Phải chăng bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư đang có xu hướng gia tăng?

- Đúng vậy. Có một quy luật phổ biến ở tất cả nền kinh tế là ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa và phát triển, mức độ bất bình đẳng thường gia tăng, khả năng hưởng thành quả tăng trưởng giữa các tầng lớp dân cư cũng khác nhau. Thông thường, đối tượng chủ doanh nghiệp, lớp người giàu sẽ được hưởng thành quả tăng trưởng trực tiếp và nhiều nhất. Trong khi đó, nếu tăng trưởng nóng, gây bất ổn, lạm phát thì người nghèo lại chịu khó khăn trực tiếp nhất.

Mặt khác, kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhóm hộ giàu đã bước vào mức thu nhập cao, vào giai đoạn tiêu dùng dịch vụ nâng cao chất lượng sống, tiêu dùng sản phẩm tinh thần cao cấp thay vì chỉ tiêu dùng nhiều sản phẩm vật chất, thiết yếu. Rõ ràng phương thức tiêu dùng của người dân thay đổi theo mức thu nhập thực tế của họ.

Để giảm bất bình đẳng kinh tế và xã hội, về mặt chính sách, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển các thiết chế văn hóa cộng đồng, các sản phẩm văn hóa tinh thần để người dân nghèo cũng được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm văn hóa tinh thần.

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Vũ