Lời “khẩn cầu” từ bể bơi Tăng Bạt Hổ

Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 11/07/2011

(HNM) -

Hiện trạng bể bơi số 3 Tăng Bạt Hổ.


Những ngày vừa qua, Đường dây nóng Báo Hànộimới liên tục nhận được tin nhắn của bạn đọc, phản ánh nội dung trên. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận, tại khu vực bạn đọc phản ánh có hai bể bơi: một ở số 1 và một ở số 3 phố Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng), cả hai bể bơi đều do Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội quản lý. Hiện tại, bể bơi ở số 1 Tăng Bạt Hổ các hoạt động vẫn diễn ra bình thường, còn bể bơi ở số 3 Tăng Bạt Hổ thì... đúng như bạn đọc phản ánh. Khu nhà dành cho các "vận động viên nhí" trước đây thay áo quần, nay trở thành phòng tập của CLB thẩm mỹ và CLB Yoga, khuôn viên hai đầu bể bơi bị biến thành bãi trông giữ và rửa xe. Vỉa hè phía bên ngoài bể bơi cũng bị một hộ kinh doanh chim cảnh và một số nhà hàng chiếm dụng làm nơi bán hàng, bãi đỗ ô tô, xe máy của khách, khiến cho khu vực này trở nên khá lộn xộn, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường...

Lý giải về thực trạng trên, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Cung Văn hóa thể thao (VHTT) thanh niên Hà Nội cho biết: Năm 2007, Thành đoàn Hà Nội tiếp nhận bể bơi số 3 Tăng Bạt Hổ từ Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội để đưa vào dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng Cung VHTT thanh niên Hà Nội (dự án do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện). Do bể bơi số 3 Tăng Bạt Hổ bị nứt đáy, không thể sử dụng cho việc bơi lội, dự án cũng đang trong giai đoạn chờ tuyển chọn phương án thiết kế nên Cung VHTT thanh niên Hà Nội đã đề xuất và được Thành đoàn Hà Nội đồng ý cho tận dụng lòng bể bơi số 3 Tăng Bạt Hổ làm sân tập, hoạt động thể thao của một số câu lạc bộ võ thuật Karate, Taekwondo… Riêng khu vực hai bên đầu bể bơi và các dãy nhà cho một số CLB và các dịch vụ thuê làm địa điểm hoạt động. Ông Trường cũng khẳng định: "Để tránh lãng phí, bỏ hoang tài sản nhà nước, Cung VHTT thanh niên Hà Nội đã tạm thời tận dụng bể bơi đã bị hỏng tại số 3 Tăng Bạt Hổ. Toàn bộ nguồn thu từ các loại hình CLB thẩm mỹ, Yoga, dịch vụ trông giữ, rửa xe được nộp vào ngân sách, có đầy đủ chứng từ nên không có chuyện tư lợi cá nhân...".

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng, trong thời gian dự án chưa được triển khai thực hiện, Ban lãnh đạo Cung VHTT thanh niên Hà Nội tận dụng cơ sở vật chất của bể bơi ở số 3 phố Tăng Bạt Hổ phục vụ một số hoạt động của người dân cũng là việc làm cần thiết để tăng thu ngân sách, tránh lãng phí… Tuy nhiên, để ổn định dư luận tại địa phương, lãnh đạo Cung VHTT thanh niên Hà Nội cần công bố kế hoạch, tiến độ của dự án bằng một panô có đầy đủ thông tin về dự án. Được như vậy, người dân sẽ biết được tình hình hoạt động tại bể bơi, đồng thời sẽ giải tỏa được những băn khoăn, dị nghị đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cung cũng cần bố trí mặt bằng trong khuôn viên bể bơi để thanh, thiếu niên khu vực có thêm điểm vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao, chấm dứt tình trạng lộn xộn bên trong bể bơi và trên vỉa hè phố Tăng Bạt Hổ.

Bài, ảnh: Trung Nguyên