Bớt nỗi lo thiếu vốn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 11/07/2011
Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là vốn của Nhà nước (với các nguồn từ ngân sách, trái phiếu...) chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Đây là thông tin được công bố tại Hội thảo "Đầu tư dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam" vừa diễn ra vào cuối tuần trước do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổ chức.
Nói chung, không riêng việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà ở tất cả các lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư là đặc biệt quan trọng. Và như các cụ xưa đã dạy, "cái khó bó cái khôn" nên nhiều khi thiếu vốn mà chúng ta thiếu đi sự đồng bộ trong đầu tư, một số dự án trở nên khấp khểnh, không phát huy được hiệu quả như dự tính. Thiếu vốn do chưa có điều kiện, do nghèo là một lẽ, nhưng còn một lý do khác đó là sự thất thoát, lãng phí. Lấy ví dụ, Dự án đường sắt đô thị (metro) đoạn Nhổn - ga Hà Nội khởi công lần đầu vào năm 2006 (khu ga chờ), nhưng 4 năm sau, tháng 9-2010 mới chính thức được khởi công, và thời điểm này mới bắt đầu những mũi khoan thăm dò địa chất. Lý do của việc chậm trễ là chưa hoàn thành các thiết kế kỹ thuật. Ngay ở thời điểm này vẫn còn những vấn đề mà các nhà thiết kế... chưa tính đến.
Hậu quả là theo dự tính ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 18.000 tỷ đồng nhưng nay chắc chắn nhiều chi phí sẽ bị "đội" lên và số tiền không dừng ở đó. Nhưng cụ thể là bao nhiêu thì cũng chưa tính được. Vả lại những mốc thời gian của từng công việc đưa ra vào thời điểm này liệu đã trôi chảy trong thực hiện?
Những ví dụ như vậy không thiếu. Cả một tuyến quốc lộ vừa được đầu tư nâng cấp rất hoành tráng, nhưng sau khi khánh thành chưa bao lâu thì lại có thêm một dự án mở rộng tuyến quốc lộ này hoặc mở thêm một tuyến đường mới nằm song song vì chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện. Lại có con đường vừa khánh thành thì người ta đưa máy ủi, máy xúc ra xén dải phân cách, rồi đổ đất bịt chỗ này, mở chỗ khác. Đào lên, lấp xuống như thế chắc chắn không có tiền không thể làm được. Rồi mua đèn tín hiệu giao thông đếm ngược, lắp mới ở chỗ này, thay thế vào chỗ kia cho hiện đại, nhưng tiếc rằng có những cột đèn ấy chưa sử dụng được bao lâu thì vị trí đó không còn là điểm giao cắt... Những chuyện như vậy có là lãng phí? Và giá như những cơ quan chức năng cùng những người lập dự án có tầm nhìn, nghĩa là có năng lực thực sự thì điều đó liệu có xảy ra? Cuối cùng, dự án chồng lên dự án, còn hiệu quả thì chắp vá, manh mún.
Chắc chắn rằng nếu không thất thoát, lãng phí, chúng ta sẽ có thêm không ít tiền để đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác. Với một số dự án cụ thể, việc thất thoát, lãng phí là rất rõ ràng, tuy nhiên lại rất khó quy kết trách nhiệm cho các cơ quan chức năng và từng cá nhân. Trong khi đó, có những cán bộ phụ trách các đội thi công cho biết, chỉ thích thực hiện dự án được gắn biển kỷ niệm vào "giai đoạn nước rút" để kịp tiến độ, mốc thời gian ấn định hoàn thành... Lý do là, khi "nước đến chân" thì vấn đề tiền nong chi tiêu cũng xông xênh hơn, kiểm soát kinh phí kém chặt chẽ hơn... Tóm lại, có như vậy mới thu được nhiều lợi. Nghe mà đau xót! Thất thoát, lãng phí là một trong những căn bệnh từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là "giặc nội xâm". Khi chúng ta chưa giàu, việc tiêu từng đồng tiền mồ hôi công sức của nhân dân đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng sao cho đạt được tối đa hiệu quả. Nếu mỗi người, từ vị trí của mình trong xã hội đều ý thức được điều đó để biến thành hành động cụ thể, góp gió thành bão, chắc hẳn chúng ta sẽ bớt rất nhiều nỗi lo thiếu vốn, công cuộc xây dựng đất nước mạnh, giàu chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn.