Câu chuyện xây dựng thương hiệu

Thể thao - Ngày đăng : 07:00, 10/07/2011

(HNM) - CLB bóng bàn Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đã có những kỷ niệm ngọt ngào tại Giải Cây vợt vàng 2010 khi đoạt tới 2 HCV. Ráo riết chuẩn bị cho giải đấu thứ 25, PetroVietnam hướng tới những thành tích cao bởi đó là một trong những cách xây dựng thương hiệu.


Khi nguồn sống là các nhà tài trợ

Cách đây gần hai năm, CLB PetroVietnam đã gây chú ý bằng bản hợp đồng với tay vợt số 1 Việt Nam lúc đó là Đoàn Kiến Quốc. Ngoài ra, đội bóng "đăng ký hộ khẩu" bóng bàn Hà Nội này còn chiêu mộ hàng loạt HLV, VĐV trẻ có tài khác như Nguyễn Phúc (HLV hiếm hoi ở Việt Nam được đào tạo bài bản ở Trung Quốc), Hồ Ngọc Thuận (tay vợt có giai đoạn được coi là thi đấu toàn diện nhất)… Cùng với đó là kế hoạch xây dựng Học viện Bóng bàn. Tất cả cho thấy, CLB này muốn làm bóng bàn một cách nghiêm túc chứ không phải là chuyện "mây bay, gió thoảng".

CLB PetroVietnam đã gây chú ý bằng bản hợp đồng với tay vợt số 1 Việt Nam lúc đó là Đoàn Kiến Quốc.

Trước đó, Công ty cổ phần Văn hóa - Thể thao dầu khí đã ra đời và CLB bóng bàn là một đơn vị trực thuộc. Không có chuyện bao cấp từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, CLB phải tự bươn chải, theo đúng nghĩa, để có kinh phí hoạt động, trả lương cho VĐV với mức "khủng" trong làng bóng bàn Việt Nam cũng như thuê VĐV nước ngoài... Cũng may, CLB có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của hàng loạt doanh nghiệp trong ngành dầu khí đã khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thương trường Việt Nam và thế giới. Đó là Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) - đơn vị thành viên chủ lực của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, có tổng mức đầu tư trung bình hằng năm đạt 1tỷ - 1,5 tỷ USD, giai đoạn 2006 - 2010, đạt tổng doanh thu 133,8 ngàn tỷ đồng; là Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí tại Việt Nam và khu vực; là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - nổi tiếng với thương hiệu Đạm Phú Mỹ, chiếm 50% thị phần phân đạm ở Việt Nam. Ngoài ra còn có Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí (PVI, luôn dẫn đầu về tăng trưởng trong các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam suốt 5 năm qua), Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), Công ty cổ phần Bất động sản tài chính dầu khí (PVFC Land). Có lẽ, ở Việt Nam hiện nay, PetroVietnam là CLB bóng bàn có nhiều nhà tài trợ nhất. Nhưng như Trưởng đoàn Trương Thới Nhiệm đã thổ lộ, "đấy vừa là áp lực vừa là động lực cho các thành viên của CLB. Họ hiểu rằng, nếu thành tích không tốt mà cứ kéo dài thì các nhà tài trợ sẽ rút lui và miếng cơm manh áo của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp".

Mơ ước ở cây vợt vàng thứ 25

Để có thể ghi điểm trong mắt các nhà tài trợ, không còn cách nào khác là phải nỗ lực hết mình để có thành tích ở bất kỳ giải đấu nào mà CLB tham gia. Nhờ vậy, PetroVietnam mới đoạt được 2 HCV ở giải Cây vợt vàng 2010 (giải đấu quốc tế uy tín nhất Việt Nam), trong đó có chiếc HCV đồng đội nam. Gần đây nhất, việc PetroVietnam dẫn đầu nội dung nam tại Giải vô địch toàn quốc 2011 như hệ quả tất yếu từ cách đầu tư của CLB.

Chuẩn bị cho giải Cây vợt vàng lần này, PetroVietnam lại háo hức trước cơ hội đánh bóng thương hiệu. Sự xuất hiện của 2 tay vợt Trung Quốc cùng Đoàn Kiến Quốc càng giúp ban huấn luyện có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, khả năng lặp lại thành tích như ở giải năm ngoái khó xảy ra khi Hàn Quốc đã cử cả tay vợt hạng 25 thế giới Lee Jung Woo dự giải nhằm đòi lại chức vô địch đồng đội nam cũng như thống trị các nội dung khác. Ngay lúc này, dù PetroVietnam là đương kim vô địch đồng đội nam cũng như đôi nam - nữ thì Hàn Quốc vẫn được coi là ứng cử viên số 1 ở các nội dung.

Nhưng trong "cuộc chiến" vì thương hiệu CLB, vì "nồi cơm" của mình, biết đâu các thành viên của PetroVietnam sẽ tạo ra những bất ngờ thú vị?

Minh Quang