Trăn trở xóm chài giữa Thủ đô
Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 10/07/2011
Cũng bởi không biết con chữ nên cuộc sống của họ càng khó khăn khi nghề chài lưới bị mai một do nguồn nước sông ngòi, ao hồ bị ô nhiễm nặng, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám những mảnh đời nơi đây...
Phận nghèo...
Trong cái nắng chói chang giữa hè, chúng tôi tìm về Ngư Nghiệp, xóm nhỏ thuộc tổ dân phố 18, phường Đồng Mai nằm tách biệt bởi dòng sông Đáy. Lấp ló sau lũy tre xanh là những ngôi nhà kiên cố đã và đang xây dựng. Tôi hỏi: Ngư Nghiệp đang giàu lên? Cuộc sống của ngư dân chắc khá lắm?. Chưa để tôi nói dứt câu, ông Nguyễn Văn Huấn trưởng xóm Ngư Nghiệp đã nhanh miệng: "Đúng là hai năm trở lại đây, nhà cửa trong xóm mọc lên nhiều thật, nhưng tiền xây nhà chủ yếu là từ bán đất đấy. Còn cuộc sống thực của ngư dân vẫn khó khăn lắm. Số hộ mỗi tháng chỉ được ăn 1-2 bữa thịt còn nhiều lắm". Rồi Trưởng thôn Huấn dẫn tôi đến thăm hộ bà Nguyễn Thị Tích - một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xóm.
Tại xóm chài Ngư Nghiệp, nhiều nhà bán đất để xây nhà. |
Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nơi bà ở chẳng có gì đáng giá ngoài cái ti vi hỏng và 2 cái quạt điện lúc chạy được, lúc không. Trong câu chuyện, bà Tích cho biết, lênh đênh trên thuyền nay đây, mai đó, lại đông con (5 trai, 4 gái) nên cuộc sống gia đình bà khó khăn vô cùng. Rồi bà kể về cậu con trai út Nguyễn Văn Chứ cùng vợ và 2 con nhỏ vừa bị tai nạn do lật thuyền vào hồi cuối năm 2010. "Bốn người thân ra đi cùng một lúc tôi đau lắm. Cuộc đời tôi đã trải qua không ít khó khăn, chông gai nhưng chưa nỗi khổ nào bằng nỗi khổ mất con, mất cháu" - bà Tích trầm giọng. Hiện, các con bà đều đã trưởng thành nhưng bà vẫn ở một mình, cũng bởi nghiệp cha ông nên các con bà phải xa quê đi đánh bắt cá trên khắp các ao hồ, sông ngòi trên toàn miền Bắc. Khó vẫn hoàn khó khi sông nước ngày càng bị ô nhiễm.
Gần đó, gia đình ông Nguyễn Văn Đăng cũng có cuộc sống khó khăn không kém. Sức khỏe yếu, mắt kém nên dù mới bước sang tuổi 52 nhưng ai cũng nghĩ ông đang ở tuổi 70. Ông Đăng có 3 người con đều làm nghề chài lưới. Cuộc sống sông nước lênh đênh, rủi ro nên cuộc sống của các con ông không sáng sủa gì hơn. Năm 2006, hà bá đã cướp đi của ông một đứa cháu nội 15 tháng tuổi. Từ đó, các con ông dần chán nghề chài lưới. Cũng muốn lên bờ làm ăn, sinh sống nhưng không có nghề, không có đất canh tác trong tay nên đành ở lại với sông nước.
Vá lưới chuẩn bị mùa đánh bắt mới. |
...và những khát vọng
Nếu so với các làng chài khác trên địa bàn Hà Nội, Ngư Nghiệp là xóm chài có nhiều lợi thế hơn cả: Gần trung tâm Thủ đô Hà Nội lại có đất định cư ổn định. Ấy nhưng cuộc sống của họ chẳng khá hơn vì chẳng biết làm gì khi nghề đánh bắt cá ngày càng khó khăn, mai một. Trước đây, 100% số hộ trong xóm làm nghề chài lưới ở khắp miền Bắc, nhưng nay việc kiếm cá tôm quá khó khăn nên không ít hộ đã giải nghệ, lên bờ làm ăn. Rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao khi rời nghề chài lưới mà không có tấc đất nông nghiệp nào để canh tác? Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, ngư dân xóm Ngư Nghiệp đã bày tỏ những khát vọng với chính quyền các cấp như tạo điều kiện để các hộ có đất sản xuất khi không thể sống nổi bằng nghề đánh bắt cá... Nhưng, mong muốn này quá xa vời, bởi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của Đồng Mai đều đã chia hết cho dân từ năm 1993 và đã cấp sổ đỏ đất nông nghiệp tới hộ, việc thay đổi khó có thể thực hiện.
Để khắc phục những khó khăn trước mắt, từng bước bảo đảm ổn định cuộc sống cho ngư dân xóm Ngư Nghiệp, phường Đồng Mai đã nhiều lần phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm quận tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho ngư dân. Thế nhưng, có tới 50% người trong độ tuổi lao động của xóm không biết chữ trong khi yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng về trình độ văn hóa, chuyên môn lao động cao nên không mấy ngư dân trong xóm tiếp cận được nghề mới. Mong mỏi và cũng là giải pháp xóa nghèo duy nhất ở Ngư Nghiệp hiện nay đối với các hộ không có đất sản xuất là được tạo điều kiện vay vốn đầu tư kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặt khác, các hộ phải tự lực tìm kiếm việc làm, tìm mô hình phát triển kinh tế. Có như vậy cuộc sống của ngư dân mới ổn định.