Khởi nghiệp với “kinh tế xanh”

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 10/07/2011

(HNM) - Khái niệm thế nào là "kinh tế xanh", "sản xuất sạch" và "phát triển bền vững"? Vai trò của thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, sạch? Đây là hai nội dung được thảo luận sôi nổi tại diễn đàn "Thanh niên khởi nghiệp với nền kinh tế xanh" vừa được TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

"Kinh tế xanh" - phát triển bền vững

TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam cho biết, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến môi trường sống của con người. Nếu không điều chỉnh kịp thời, chúng ta sẽ ngày càng ngập sâu vào “món nợ” sinh thái không bền vững mà các thế hệ mai sau sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức và đoàn thể, trong quá trình làm việc, sản xuất chưa thực sự ý thức việc tạo lập một thói quen sử dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng sạch. Vì thế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, từ những hành động giản dị của cá nhân đến những việc làm đồng bộ, quy mô lớn mang tầm chiến lược của tổ chức, quốc gia và thế giới.

Đoàn viên thanh niên tham gia trồng rừng bảo vệ môi trường.

Tại diễn đàn "Thanh niên khởi nghiệp với nền kinh tế xanh", thanh niên, sinh viên trao đổi cởi mở về khái niệm "kinh tế xanh" hay còn gọi là kinh tế sạch - nền kinh tế mà nền tảng là các nền kinh tế truyền thống kết hợp hài hòa với bảo vệ môi trường, sinh thái. Mục tiêu của nền "kinh tế xanh" là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững. Thời gian qua, thanh niên, sinh viên rất năng động, nhiệt huyết và đã có nhiều ý tưởng, dự án hướng đến nền "kinh tế xanh", nhưng việc triển khai, phát triển còn khó khăn do thiếu sự hỗ trợ về nguồn vốn, cơ chế chính sách...

Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp

Theo thống kê, hiện nay, cả nước có hơn 30.000 CLB thanh niên bảo vệ môi trường, nhưng cũng chỉ tham gia các đợt hoạt động cao điểm; rất nhiều ý tưởng xanh nhưng cũng chỉ nằm trên giấy vì thiếu điều kiện như kinh phí, địa bàn triển khai và tư vấn của chuyên gia…Vì thế, nhiều ý kiến của thanh niên, sinh viên và các chuyên gia đều đồng tình rằng cần thiết thành lập CLB thanh niên khởi nghiệp với nền "kinh tế xanh" trực thuộc tổ chức Hội LHTN Việt Nam, giúp những người trẻ có tâm huyết, trình độ sớm trở thành doanh nhân. Tham gia vào CLB, không chỉ được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các ý tưởng, mà còn có điều kiện cùng nhau triển khai dự án khởi nghiệp xanh.

Anh Nguyễn Văn Đoàn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên cho biết, để có nền "kinh tế xanh" thì phải có nông, lâm nghiệp xanh; năng lượng và công nghiệp xanh và nhóm dịch vụ xanh. Trong đó vấn đề tuyên truyền vẫn coi trọng hàng đầu, làm sao để mỗi thanh niên, sinh viên nhận thức sâu rộng, từ đó trở thành tình nguyện viên tuyên truyền trong nhân dân. Về việc xây dựng CLB thanh niên khởi nghiệp nền "kinh tế xanh", anh Đoàn chỉ ra rằng, mục tiêu của CLB cần tạo ra sự phát triển khởi nghiệp, sáng tạo của các bạn sinh viên bằng "kinh tế xanh". TƯ Hội LHTN và Hội Sinh viên Việt Nam cần xây dựng các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, tạo dựng nền "kinh tế xanh" triển khai trong tuổi trẻ cả nước. Bên cạnh đó cũng cần tổ chức các hội thi với ý tưởng kinh doanh xanh, hội thi các dự án xanh…

Ông Dương Anh Tuyên (Đại sứ Quỹ sáng tạo, kiêm Tổng Thư ký Tổ chức phát triển nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam) cho biết, Việt Nam có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng rất nhiều làng nghề; trong đó Hà Nội có hơn 2.000 làng nghề đều ô nhiễm, chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết. Vì thế, thanh niên, sinh viên cần quan tâm đề tài xử lý ô nhiễm các làng nghề; đầu tư nghiên cứu, trăn trở để đưa ra những sáng kiến nhằm xử lý vấn đề cấp bách này tại các địa phương. Giải pháp đó là cần đầu tư suy nghĩ và phát triển năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa sinh, năng lượng bioga… Chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ về tài chính và kiến thức để các bạn trở thành doanh nghiệp xanh.

"Kinh tế xanh" không phải là điều gì xa xôi. Một số mô hình ứng dụng đã và đang được triển khai ở Việt Nam thành công. Quan trọng là để tư duy "kinh tế xanh" thực sự đi sâu vào tiềm thức và là yếu tố cần của bất kỳ ý tưởng kinh doanh nào. Thiết thực nhất là cần thay đổi nhận thức và tư duy, từ hành vi hằng ngày là phải bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng để đất nước phát triển bền vững.

Vũ Thủy