Cải thiện điều kiện sống, tạo việc làm cho người dân

Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 09/07/2011

(HNM) - Báo Hànộimới ngày 7-7- 2011, có bài

Sau khi báo đăng tải, đề án này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, với nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà sử học và đông đảo bạn đọc gần, xa... 


Nhiều hộ gia đình sinh hoạt trong điều kiện chật chội tại phố cổ Hàng Đào. Ảnh: Linh Tâm


Ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Unesco Hà Nội): "Cố gắng để mỗi căn nhà là một gia đình"...


Trước hết, cần xác định mục tiêu của đề án là cải thiện điều kiện sống của người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử tại khu phố cổ (KPC). Phương thức bảo vệ phố cổ là cố gắng để mỗi căn nhà là một gia đình, tránh tình trạng nhiều gia đình cùng sống chung trong một căn nhà, ra đụng vào chạm. Nghèo có văn hóa của người nghèo, giàu có văn hóa của người giàu, không thể sống "lẫn" cùng nhau được. Cho nên, vấn đề trước tiên phải giải quyết là vấn đề môi trường, điều kiện sống. Có giải quyết được những vấn đề dân sinh bức xúc của người dân, ý nghĩa của chương trình giãn dân KPC mới được giải quyết triệt để. Về vấn đề di dân, nên ưu tiên những căn nhà có vị trí thuận lợi nhất, chiếm lĩnh một giá trị cao nhất được tiếp tục ở lại các KPC và tạo điều kiện cho họ mua lại diện tích của những người đã di chuyển khỏi KPC. Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ thông qua việc xây dựng nhà tái định cư bảo đảm chất lượng, có vị trí thích hợp, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, cần có một cơ chế quản lý nghiêm ngặt, không để cho các hộ còn ở lại KPC được tự do xây dựng hay thay đổi kết cấu căn nhà, đặc biệt không để các hộ dân sinh sống bên trong xây dựng nhà ở cao tầng, phá vỡ kiến trúc, cảnh quan KPC.

Ông Lưu Minh Đức (phường Mai Động, quận Hoàng Mai): Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để người dân đỡ khổ


Hơn 40 năm sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Đào, tôi thấu hiểu nỗi khổ của những người dân ở đây. Nhìn bên ngoài, phố Hàng Ngang, Hàng Đào nổi tiếng với những dãy cửa hàng, cửa hiệu, điện đèn, cửa kính sáng choang, ngồn ngộn hàng hóa… Nhưng đi sâu vào những con ngõ nhỏ, mới thấy cuộc sống của đa số người dân trong KPC thực sự khổ sở, bức bối, chật hẹp. Nhiều căn nhà nằm sâu trong những con ngõ chạy dài 40-50m, bề ngang vỏn vẹn 50-60cm, vừa đủ cho hai người tránh nhau, quanh năm phải sống chung với ánh đèn, bởi ánh sáng tự nhiên không thể lọt vào. Nhiều gia đình 3-4 thế hệ sống chung trong căn nhà rộng khoảng 10m2, mọi sinh hoạt chỉ xoay quanh chiếc giường. Hầu hết các gia đình dùng chung công trình vệ sinh, rất bất tiện và ô nhiễm môi trường. Đã thế, KPC lại là nơi tập trung dân cư đông đúc vào loại nhất, nhì cả nước, với hơn 800 người/ha. Mật độ dân số quá cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, điều kiện sống xập xệ, ô nhiễm, khiến đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đó cũng là lý do mà gia đình tôi phải bán nhà đi nơi khác sinh sống. Ngay từ năm 1998, báo chí đã đưa tin TP Hà Nội có chủ trương lập đề án giãn dân KPC, nhưng đến nay đề án vẫn chưa được triển khai. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai đề án, sớm cải thiện điều kiện, môi trường sống của người dân....

Bà Lê Ngọc Mai (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên): Phòng ngừa tăng dân số do nơi khác đến

Con số hơn 1.600/1.800 hộ dân đồng ý di dời khỏi KPC, cho thấy họ đã quá bức bách với điều kiện sống hiện tại. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm, đó là phải làm gì để kìm chế việc gia tăng dân số trở lại ở đây và hậu giãn dân ở KPC. Trước khi thực hiện đề án, thành phố cần có chính sách hạn chế nhập hộ khẩu vào KPC, tránh tình trạng di dời được một hộ dân trong KPC, thì có đến 5-7 hộ chuyển đến định cư. Sau khi các hộ đã chuyển đến tái định cư tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên), thì phần diện tích họ để lại sẽ được quản lý thế nào hay lại biến thành cơ hội kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản tại KPC? Theo đề án, điều kiện mua và sử dụng các diện tích đã được giải phóng phải là các hộ dân trong cùng biển số nhà, người mua không nhằm mục đích đưa người không có hộ khẩu trong KPC đến ở. Nếu hội đủ các điều kiện này, người mua còn được ưu tiên vay vốn có hỗ trợ lãi suất để mua nhà, nhưng ai bảo đảm sẽ không có tình trạng các công ty môi giới "móc ngoặc" với các hộ dân đó để được mua nhà giá ưu đãi, rồi mua đi bán lại thu chênh lệch? Và nếu không quản lý chặt chẽ, cùng với nạn mua đi bán lại, mật độ dân số tại KPC sẽ tăng nhanh...

Ông Nguyễn Duy Lộc (phường Bưởi, quận Tây Hồ): Tạo việc làm cho dân cư KPC tại nơi ở mới


Có một vấn đề "thiết thân" với hầu hết người dân ở KPC, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, đó là sau khi chuyển đến nơi ở mới, việc làm của họ như thế nào? Trong số hơn 2 vạn dân bắt buộc phải di dời khỏi KPC, đa số đều là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nay chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của họ sẽ ra sao? Nếu không có phương án cụ thể để tạo công ăn, việc làm cho họ, chắc chắn nạn thất nghiệp, nghèo đói, tệ nạn xã hội… sẽ phát sinh. Ngoài ra, đề án cũng chưa quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của KPC. Cũng vì điều kiện sống chật hẹp của người dân, hàng loạt di tích lịch sử trên địa bàn KPC đã lần lượt biến mất hoặc bị người dân lấn chiếm sử dụng… Theo tôi, song song với việc giãn dân KPC, chúng ta cần có kế hoạch cụ thể khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời tại đây.

Bảo Nga