Cần 190 tỷ USD đầu tư toàn xã hội

Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 09/07/2011

(HNM) - Hà Nội cần khoảng 70 tỷ USD tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho giai đoạn 2011-2015 và 120 tỷ USD cho giai đoạn 2016-2020.


Phát huy nội lực là chính


Theo quy hoch tng th được phê duyt, Hà Ni sưu tiên phát trin h thng đường vành đai, kết ni vi các đô th v tinh. Ảnh: Huy Hùng

Dự kiến nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ nội lực là chủ yếu. Trong đó, sẽ huy động tối đa từ quỹ đất, từ tài sản sở hữu nhà nước đến phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa-thể thao. Nguồn vốn ngân sách nhà nước dự kiến đáp ứng 16%-18% nhu cầu, dành đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH theo từng giai đoạn. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu phát hành trái phiếu, thành lập công ty tín dụng cổ phần, tranh thủ nguồn tài trợ ODA, đẩy mạnh thu hút FDI bằng việc cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý tốt quy hoạch… Đặc biệt, quy hoạch nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư từ ngân sách nhà nước; kiên quyết thu hồi diện tích đất, mặt nước không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được giao trước đây để có kế hoạch sử dụng hợp lý.

Năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD

Theo quy hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội giai đoạn năm 2011-2015 bình quân 12%-13%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 11%-12%/năm và giảm dần khoảng 9,5%-10% vào giai đoạn 2021-2030 khi cơ bản đạt được các mục tiêu phát triển. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người sẽ tăng dần từ mức dự kiến 4.100-4.300 USD vào năm 2015 lên 7.100-7.500 USD vào năm 2020 và đến 16.000-17.000 USD vào năm 2030. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế Hà Nội sẽ chuyển dịch theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp, với dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu, đưa Hà Nội trở thành trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn, trung tâm tài chính-ngân hàng hàng đầu khu vực phía bắc…

Về sản xuất công nghiệp - xây dựng, Hà Nội được xác định tập trung phát triển nhanh ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, điện tử, cơ khí chính xác, dược, hóa mỹ phẩm… bên cạnh việc phát triển công nghiệp phụ trợ và loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn tư nhân, tạo ra mạng lưới vệ tinh sản xuất, xuất khẩu cho các công ty lớn. Lĩnh vực khoa học-công nghệ và y tế, Hà Nội được kỳ vọng sẽ là trung tâm có chất lượng, trình độ mang tầm khu vực và thế giới.

Về giao thông, Hà Nội giải quyết tình trạng ùn tắc, quá tải bằng đầu tư các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, công trình ngầm… tăng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông lên 18%-20% (nội thành cũ 10%-12%). Ngoài ra, Hà Nội sẽ phải hoàn thành nâng cấp mạng lưới đường khu vực, mở rộng trục Đông - Tây (Vành đai 1), xây mới các trục chính đô thị kết nối trung tâm Thủ đô với các khu đô thị mới; phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành xây dựng các quốc lộ, đường cao tốc hướng tâm, vành đai giao thông đô thị (Vành đai 2-3) và xây dựng vành đai giao thông liên vùng (Vành đai 4-5). Quy hoạch cũng đề cập tới việc xây dựng cả đường trên cao trên trục Vành đai 2-3. Đến năm 2020, Hà Nội vẫn sử dụng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, với công suất 20-25 triệu khách/năm mà chưa xây dựng thêm cảng mới.

Trở thành đô thị xanh

Đô thị xanh được khẳng định với định hướng không gian được tổ chức theo mô hình chùm đô thị. Trong đó, đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, các thị trấn được phân cách bằng hành lang xanh. Đô thị trung tâm phát triển mở rộng về phía tây, nam đến Vành đai 4, phát triển về phía bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh và phát triển phía đông đến khu vực Gia Lâm, Long Biên. Tại khu nội đô lịch sử (giới hạn từ nam sông Hồng đến Vành đai 2), trung tâm hành chính - chính trị quốc gia đặt tại Ba Đình và trung tâm hành chính - chính trị thành phố đặt tại Hoàn Kiếm. Khu nội đô mở rộng (từ Vành đai 2 đến sông Nhuệ) là khu vực phát triển đô thị mới, trung tâm văn hóa, dịch vụ, thương mại cấp thành phố. Khu vực từ sông Nhuệ đến Vành đai 4 bao gồm các chuỗi đô thị Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì là khu phát triển dân cư mới ngăn cách với nội đô bằng vùng đệm xanh. Khu vực bắc sông Hồng đến nam sông Cà Lồ, các đô thị Long Biên, Gia Lâm, Yên Viên phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, công nghiệp công nghệ cao. Đô thị Đông Anh phát triển du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, hình thành trung tâm thể thao mới, triển lãm, thương mại. Đô thị Mê Linh phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa, cây cảnh… Các đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc (chức năng chính khoa học - công nghệ - đào tạo), Sơn Tây (lịch sử, nghỉ dưỡng mà trọng tâm là bảo tồn Thành cổ Sơn Tây và làng cổ Đường Lâm), Xuân Mai (dịch vụ-công nghiệp), Phú Xuyên (công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa) và Sóc Sơn (dịch vụ khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế, hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh…). Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Hà Nội là cơ sở lập, triển khai các quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương.

* Quy mô dân số đến năm 2015 là 7,2-7,3 triệu người, năm 2020 là 7,9-8 triệu người, năm 2030 là 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hơn 55% vào năm 2015 và 75% vào năm 2020.
* Năm 2020, 80% nước thải sinh hoạt và 100% nước thải khu cụm công nghiệp qua xử lý; năm 2015 tỷ lệ rác thải sinh hoạt đô thị thu gom và xử lý trong ngày đạt 100%; diện tích nhà ở bình quân 23-24m2/người năm 2015 và 25-30m2/người năm 2020; diện tích cây xanh 7-8m2/người năm 2015 và 10-12m2/người năm 2020. Tỷ lệ cấp nước đô thị 150-180 lít/người/ngày.
* Trong giai đoạn năm 2011-2015, phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 135-140 nghìn người. Phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 20 giường bệnh/10.000 dân (tính cả tuyến trung ương là 34-35 giường bệnh/10.000 dân) và khoảng 25 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2020 (tính cả tuyến trung ương là 42 giường bệnh/10.000 dân). 100% trường học kiên cố, tiến dần hiện đại hóa; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.


Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu KT-XH Hà Nội:

Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Hà Nội được thông qua là một tin vui với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, nhìn vào những số liệu tại bản quy hoạch, có một số vấn đề cần lưu ý. Đó là mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011-2015 là 12-13%. Trên thực tế, kinh tế Hà Nội và cả nước đang gặp nhiều khó khăn do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. GDP của cả nước năm 2011 dự kiến vào khoảng 6% và năm 2012 khoảng 7%. Như vậy, GDP của Hà Nội thường cao hơn tương ứng từ 2 đến 3%, song vẫn thấp hơn mục tiêu của bản quy hoạch. Cá nhân tôi cho rằng, chỉ nên coi đây là những chỉ số tham khảo, không mang tính cố định sẽ hợp lý hơn.

Việc xây dựng khu đô thị vệ tinh theo bản quy hoạch cần tính toán kỹ, tránh tình trạng ồ ạt cấp phép cho dự án, nhưng chỉ thực hiện các hạng mục quan trọng còn hạ tầng không được quan tâm. Thực tế cho thấy, nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội xây dựng xong nhưng hạ tầng không có dẫn đến tình trạng bị bỏ hoang, gây lãng phí, trong khi quỹ đất còn eo hẹp, nơi cần thì thiếu, nơi lại bỏ hoang không sử dụng.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Hà Nội:

Hà Nội là một trong những trung tâm bán buôn lớn của cả nước, song bản quy hoạch lại thiếu những định hướng cụ thể về việc xây dựng Hà Nội thành một trung tâm phân phối quan trọng của cả nước và trong khu vực. Trong khi đó, ngành thương mại, dịch vụ lại đóng góp khá lớn vào tốc độ tăng GDP của Hà Nội. Việc quy hoạch nguồn nhân lực cũng chưa được chú trọng, trong khi đây chính là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Một cơ chế cụ thể để thực hiện bản quy hoạch này cần được tính đến gồm: cơ chế thu hút nhân tài, cơ chế thu hút vốn của người dân vào hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh và một cơ chế kiểm soát đủ mạnh nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt ra, khi phát triển kinh tế Hà Nội nên cân nhắc yếu tố giữ gìn và bảo vệ môi trường. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người Hà Nội cũng cần được coi trọng nhằm giữ lại những nét văn hóa rất riêng của Thủ đô.

Hương Ly thực hiện

Gia Khánh