Chuyện khó cười ở làng hài
Văn hóa - Ngày đăng : 16:05, 08/07/2011
Các gương mặt nghệ sỹ hài nổi tiếng không phải nhiều
(HNMO)- Hay tin có người tự công bố mình đứng thứ nhì, trong hàng ngũ diễn viên chuyên đóng kịch hài phía Bắc, thế là dư luận trở nên sôi nổi. Vậy ai là số một trong cái làng cười này? Câu hỏi làm cho nhiều người xôn xao và tự tìm câu trả lời của riêng mình. Hàng chục gương mặt nghệ sĩ hài hai miền Nam và Bắc hiện lên. Mỗi người một vẻ. Chính các nghệ sĩ ngoái lại sàn diễn điểm mặt nhau và đều lắc đầu…cười. Chịu!
Còn người xem thì im lặng, bởi lẽ nhiều tiết mục hài trong các chương trình truyền hình, khó có thể cười nổi. Còn đến với sàn diễn, có lẽ chỉ khán giả trẻ là vô tư khoái trá, bởi những nét nhăn nhó, dị dạng trên cơ mặt hay hình thể méo mó mà các nghệ sĩ tạo ra để chọc cười cho xôm trò chút đỉnh. Nhưng mọi chuyện diễn ra thật nhạt nhẽo, cố gồng lên, cho dù họ đều là những nghệ sĩ giỏi nghề.
Lạm phát “Danh hài”
Đã từ lâu, nhiều chương trình nghệ thuật, mỗi khi có một nghệ sĩ diễn hài nổi tiếng là đều được giới thiệu với hai từ “danh hài”. Trên băng dôn hay bảng quảng cáo thường tôn vinh họ rất hồn nhiên, cho dù nghệ sĩ không hề yêu cầu. Thị trường mà, lâu dần thành quen với danh hiệu này và nó được coi như miếng mồi để câu khách. Họ có thể bỏ qua những danh hiệu do Nhà nước phong tặng như NSND hay NSƯT cho nghệ sĩ, mà chỉ coi trọng cái gọi là “danh hài”. Đó là một thương hiệu tự phong một cách tuỳ hứng và không hề chính xác, nhiều khi còn làm cho người nghệ sĩ ngần ngại.
Ngay nghệ sĩ Xuân Hinh, một gương mặt hài xuất sắc, ra nhiều đĩa vui ngày xuân, nhưng cũng chỉ thích được coi mình là diễn viên hát chèo. Có thể nói anh là nghệ sĩ đoạt kỷ lục về số đĩa hài được phát hành và kỷ lục người xem mến mộ, nhưng vẫn cho là vì mưu sinh, chứ chẳng “danh” với “hão” gì cả. Về nghiệp diễn của mình, anh quan niệm thật giản dị, là đem món cà muối bình dân mua vui cho người lao động mà thôi.
Thật lạ đời, nghệ sĩ nọ tự xếp hạng trong làng cười xứ Bắc, rồi còn khoe rằng, thật tự hào vì mình là người thứ hai, sau Xuân Hinh dám bán ô tô, bán nhà, lấy tiền làm đĩa hài tết. Vậy chả lẽ đấy là vị trí thứ hai theo cách nghĩ như vậy? Rồi anh ta còn vỗ ngực sẽ làm liveshow kịch hài và sẽ vươn lên tầm một Đàm Vĩnh Hưng trong sân khấu hài. Nhưng buồn cười thay, anh ta có biết đâu, mới đây trên một chương trình truyền hình, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ nhận giọng hát của mình thuộc vào loại “hàng chợ”. Chả lẽ đó là cái đích vươn tới ngôi số một của nghệ sĩ nọ.
Nếu liệt kê danh sách nghệ sĩ diễn hài phía Bắc, ngoài Xuân Hinh nổi danh như cồn, còn có nhiều nghệ sĩ hài lừng lẫy khác như Trần Tiến, Phạm Bằng, Chí Trung, Xuân Bắc, Quang Thắng, Quốc Anh, Minh Vượng, Vân Dung, Quốc khánh, Tự Long, Quang Tèo, Công lý… Họ đều có sắc thái riêng và diễn giỏi nhưng đâu có bao giờ nghĩ đến chuyện xếp hạng một cách thậm vô lý như vậy.
Ấy là chưa kể đến những nghệ sĩ diễn hài rất chuyên nghiệp trên sân khấu phía Nam. Họ đều là những ngôi sao đáng trân trọng như: Bảo Quốc, Thành Lộc, Hồng Vân, Hoàng Sơn, Việt Anh, Minh Nhí, Đức Hải… Đó là những nghệ sĩ ăn khách vào loại hàng đầu hiện nay. Và lớp kế cận họ hiện còn nhiều cái tên rất “khủng” của nhiều đêm diễn như Hoài Linh, Thuý Nga, Đại Nghĩa, Quốc Thuận, Cát Phượng, Minh Béo, Tấn Beo… Hơn nữa, các nghệ sĩ này dấn thân vào cơ chế xã hội hoá ngay từ đầu, nên tỏ ra nhạy cảm với thị hiếu khán giả và gây được tiếng cười một cách tự nhiên. Vậy mà họ chưa bao giờ ngộ nhận, mình là số một hay hai trong làng cười này cả, cho dù họ vẫn được quảng cáo là “danh hài”.
Hình dung những nụ cười mới
Gần đây khán giả truyền hình nhận thấy chương trình “Thư giãn cuối tuần” đang có cơ đến gần với nụ cười hơn. Nghĩa là không bị cười một cách cơ học nữa, với bố cục cởi mở về nội dung và có sự hợp tác giữa các nghệ sĩ hài nổi tiếng của hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nghệ sĩ Tiến Dũng trong “Hỏi xoáy đáp xoay”
Riêng mục “Hỏi xoáy đáp xoay” là sự thay đổi rõ rệt và tươi mới về cảm xúc, cho khán giả và chính nghệ sĩ. Sự xuất hiện của nghệ sĩ Xuân Bắc và Tiến Dũng, với phong cách thể hiện khác nhau, theo hai màu nóng, lạnh tạo được sự đón nhận hồ hởi của hàng triệu người xem. Đó là thành công bất ngờ đối với các nghệ sĩ hài, cho dù những đề tài được đề cập đến tưởng như khô khan. Tính hài hước nảy sinh ngay từ cách đặt vấn đề, mang tính phản biện khá ngộ ngĩnh. Sự vượt trội của nghệ sĩ Xuân Bắc với hai vai trò MC và diễn xuất, khá nhuần nhuyễn. Cùng với anh, nghệ sĩ Tiến Dũng trong vai giáo sư, là một phát hiện mới cho làng hài miền Bắc.
Cùng với chương trình đổi mới của VTV là sự đóng góp với thị trường hài kịch của nhiều đài địa phương, như “Cười chút chơi”, “Nụ cười vàng” của HTV7, TP Hồ Chí Minh; hay “Cười từ nhà ra ngõ”, Đài Truyền hình Hà Nội và các chương trình “Siêu thị cười”, “Chuyện bốn mùa”, “Mắc mớ chi cười”…của nhiều đài truyền hình các địa phương. Hầu hết gần trăm chương trình hài đều đem lại những tiếng cười vui và có ý nghĩa xã hội cho người xem.
Tuy nhiên, sau một thời gian khán giả bắt đầu thấy lo lắng cho nội dung trong từng buổi phát sóng, bởi sự đơn giản về kịch bản, khi nó thường gắn với những chuyện có tính giáo dục hay thời sự nào đó. Không ít những nội dung khô cứng, yếu kém đã được ghép cho đủ chương trình. Ngay mục “Hỏi xoáy đáp xoay”, của VTV nếu chỉ tựa vào những nội dung có tính giải đáp các hiện tượng sinh hoạt hay có yếu tố khoa học, hoặc ngôn ngữ như hiện nay sẽ chẳng khác gì một cặp tấu hài về những chuyện nghiêm túc. Nếu lặp đi lặp lại cách diễn “ngồi song tấu” mãi như vậy sẽ tạo nên sự nhàm chán. Một số nội dung chương trình đã phải trông cậy vào những tiếng cười máy bổ trợ thì quả đã có vấn đề cần xem lại.
Chẳng cứ bên sân khấu mà bên điện ảnh với các phìm hài ngày tết cũng đang trên con đường tiếp cận thị trường khá gai góc. Bởi lẽ không ít nghệ sĩ bên kịch hài sang đóng phim, nên khó có sự sáng tạo mới lạ về nghệ thuật thể hiện. Khảo sát hàng chục đĩa hài và phim chiếu cho những ngày tết, ta thấy nội dung đều nhợt nhạt, tình hài hước giả tạo. Khán giả đều chê bai nhưng trên thực tế không có gì để xem ngoài mấy phim như “Xin thề anh nói thật”, “Áo cưới thiên đường”, “Bóng ma học đưòng” … Bên cạnh đó là hàng loạt các đĩa hài ngày xuân như “Cuộc thi đệ nhất”, “Thày bói mù”, “Cời cái sự đời”, “Nói xấu người yêu”… chúng cũng là những tiếng cười bị tha hoá, với các tiết mục xưa cũ, nhàm chán.
Hiện tượng này được phổ cập trên truyền hình và các bộ đĩa hài rẻ tiền được bày bán tràn lan trong thị trường trong vài năm qua. Chúng bào mòn các gương mặt hài quen thuộc hiện nay. Các nghệ sĩ không được phát huy tài năng, cá tính qua các vai diễn thật sự. Họ xuất hiện hàng tuần, trong nhiều chương trình, nhưng đều chỉ diễn mang tính minh hoạ cho một câu chuyện. Họ không còn là mình nữa, và trở thành những cái máy nói vô cảm cho một chủ đề nào đó mà đề cương đã vạch sẵn. Do vậy có người nói, cho dù họ có tài, nhưng chỉ để lại cái tên trên truyền hình, vì mọi người “bị” xem, chứ nếu cho họ ra diễn những tiết mục ấy ngoài rạp chắc ế vé.
Để có những tiếng cười lạc quan
Câu chuyện kịch bản quả lại câu chuyện “Biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng có lẽ ở đây còn là vấn đề đào tạo và tổ chức đội ngũ tác giả, nhất là những nhà biên kịch trẻ. Đói kịch bản hay, hấp dẫn là bệnh kinh niên của sân khấu và điện ảnh. Đặc biệt các tiểu phẩm hài kịch. Sự xuất hiện tác giả Tiến Dũng là một cơ may cho sân khấu hài, khi anh viết tới 5 chương trỉnh Táo quân. Tuy nhiên cách làm tay ngang ấy chỉ tạo nên không khí mới lạ trong hai năm đầu. Và giờ đây, các Táo quân chỉ là những mảng trò rời rạc mô tả những sự kiện có tính thời sự của mỗi nghệ sĩ được ghép lại. Hơn nữa, các nhà tổ chức biểu diễn không thể trông cậy vào sự may mắn về tác giả “bỗng dưng” xuất hiện như Tiến Dũng mãi được, mà cần có chiến lược gây dựng đội ngũ tác giả chuyên viết kịch vui, đồng thời phát hiện và khích lệ những cây bút của các ngành nghề khác cùng đồng hành trên con đường sáng tạo. Viết kịch bản hài là khó. Nhưng vẫn phải bắt đầu như vậy, chúng ta mới hy vọng có được nhiều tiết mục hay, đem lại tiếng cười lạc quan và trong sáng cho người xem.