Các quốc gia ASEAN phối hợp giải quyết bệnh ung thư

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:03, 08/07/2011

(HNMO) – Theo kết quả nghiên cứu được chia sẻ tại “Diễn đàn các đối tác về căn bệnh ung thư tại khu vực ASEAN”, diễn ra trong ngày 7/7/2011 cho biết: Tỷ lệ tử vong của bệnh ung thư vú tại Indonesia cao xấp xỉ gấp 3 lần so với Lào và Việt Nam, trong khi tỷ lệ tử vong của bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam lại cao hơn 4 đến 5 lần so với Lào, Philipines và Thái Lan.


Lần đầu tiên, ASEAN Foundation đã tổ chức “Diễn đàn các đối tác về căn bệnh ung thư tại khu vực ASEAN”. Diễn đàn nhằm đề cập tới tỷ lệ bệnh ung thư đang tăng vọt trong khu vực và khởi động giai đoạn hai của công trình nghiên cứu có tính bước ngoặt nhằm thu thập các dữ liệu về gánh nặng kinh tế-xã hội của căn bệnh ung thư đối với các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.



Kêu gọi hành động từ những người đứng đầu khu vực và những nhà hoạch định chính sách, trong bài phát biểu của mình, Tiến sỹ Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh: “Diễn đàn các đối tác về căn bệnh ung thư tại khu vực ASEAN” là cơ hội quý báu giúp các nhà hoạch định chính sách của các nước, các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới cũng như các quan chức y tế có thể cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung là giải quyết các vấn đề về tiến trình điều trị ung thư và chi phí”.

Đáng chú ý, kết quả có được từ giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu trong vòng 2 năm đã được chia sẻ với các bên tham gia “Diễn đàn các đối tác về căn bệnh ung thư tại khu vực ASEAN”, qua đó mang đến cho họ một bức tranh toàn cảnh về tỷ lệ mắc bệnh ung thư trong khu vực. Giáo sư Mark Woodward đến từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George tại Sydney đã nhấn mạnh rằng có khoảng 700.000 ca mắc bệnh ung thư mới được phát hiện năm 2008 và có khoảng nửa triệu ca tử vong do ung thư trong cùng năm.

Ông cũng bổ sung thêm: “Đối với nam giới, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất dẫn đến tử vong, tiếp theo là ung thư gan và ung thư ruột già. Đối với phụ nữ, ba căn bệnh ung thư dẫn đến tỷ lệ tử vọng nhiều nhất là ung thư vú, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng có sự khác biệt về địa lý trong khu vực. Ví dụ, tỷ lệ tử vong của bênh ung thư vú tại Indonesia cao xấp xỉ gấp 3 lần so với Lào và Việt Nam, trong khi tỷ lệ tử vong của bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam lại cao hơn 4 đến 5 lần so với Lào, Philipines và Thái Lan. Việc nghiên cứu là cần thiết để hiểu thêm lý do tại sao có sự khác biệt này.”

Khép lại diễn đàn, Tiến sĩ Wibisono kết luận: “Chỉ bằng việc cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đảm bảo được rằng ung thư sẽ được nhìn nhận như một hiểm họa y tế đang đến rất gần và được nghiêm túc đề cập tới như một vấn đề về phát triển, y tế và công bằng trong khu vực ASEAN”.

H.A