Du lịch di sản: “Mỏ vàng” bỏ hoang

Du lịch - Ngày đăng : 07:04, 08/07/2011

(HNM) - Bộ VH, TT& DL vừa chính thức gọi tên Năm Du lịch quốc gia 2012 là "Năm Du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc miền Trung - Huế 2012" với chủ đề "Du lịch di sản".

Làm gì, hành động như thế nào để vừa phát huy, bảo tồn giá trị di sản, vừa biến tiềm năng vô giá này thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đang là những vấn đề cấp bách hiện nay.

Nguy cơ phá hỏng di sản

Du lịch văn hóa đang là hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Loại hình du lịch này vừa giúp văn hóa truyền thống tồn tại, bảo tồn, phát huy giá trị, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân bản địa. Vậy mà, nước ta có một "mỏ vàng" di sản nhưng ngành du lịch lại chưa biết đưa vào khai thác có hiệu quả.

Du khách tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nhật Nam

Đánh giá sự phát triển du lịch trong quan hệ với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta đang coi các di sản văn hóa là lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch nhưng trước sự khai thác quá mức, thậm chí người khai thác không có tư duy đúng đắn, trình độ lại hạn chế nên đã phá hỏng các di sản văn hóa. Thậm chí, xu hướng "hiện đại hóa", "thương mại hóa" di sản để đưa vào phát triển du lịch đang khiến không ít giá trị văn hóa truyền thống bị biến dạng, mất đi vẻ đẹp vốn có.

Ngay cả ở Hà Nội, nơi có bề dày lịch sử văn hóa hàng ngàn năm với trên 5.000 di tích (chiếm tới 40% di tích của cả nước), trong đó có 3 di sản được UNESCO vinh danh, lại còn có những không gian văn hóa riêng tạo nên những nét đặc sắc hiếm nơi nào trên thế giới có được như: làng cổ, phố cổ, phố cũ... sự "lãng phí" di sản cũng rất rõ ràng. Dưới con mắt của những người làm du lịch, những di sản của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến vẫn chưa thể trở thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để chào bán tới du khách quốc tế. Hầu như điểm đến trong các tour du lịch Hà Nội đều là những địa chỉ quen thuộc: Hồ Tây, đền Quán Thánh, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, chợ Đồng Xuân, phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm bảo tàng và kết thúc là xem múa rối nước. Với sản phẩm du lịch đơn điệu như vậy, du khách tới Hà Nội nhưng lại không thể cảm nhận hết được những giá trị văn hóa đặc thù và tiêu biểu của mảnh đất này như những gì họ được nghe, được kể. Hiếm có hãng lữ hành nào dám mạo hiểm xây dựng tour chuyên đề về di sản văn hóa Hà Nội để chào bán thường xuyên.

Nguyên nhân của tình trạng này, như bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc chi nhánh Công ty Du lịch Phượng Hoàng tại Hà Nội lý giải thì, do đường sá đi lại không thuận tiện, rất dễ gặp tắc đường vào giờ cao điểm. Thêm vào đó, nhiều di tích nằm sâu trong làng mà đường đi lại nhỏ hẹp, lầy lội, xe ô tô không vào được. Nhiều di tích không được quan tâm, bị xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, việc thiếu hướng dẫn viên có am hiểu sâu sắc, truyền tải được giá trị của điểm đến tới du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các hãng lữ hành chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch di sản chuyên đề.

Để không lãng phí tài nguyên

Du khách nước ngoài ngày càng có xu hướng thích tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa truyền thống của nơi mình đặt chân đến. Do đó, các di sản trên thế giới đang tạo ra sức hấp dẫn riêng. Thế nhưng, ở nước ta, nguồn tài nguyên vô giá này vẫn chưa được coi là "mỏ vàng". Không ít di tích sau khi được xếp hạng tiếp tục trong tình trạng hoang hóa, không có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị để hỗ trợ cho sự phát triển du lịch tại địa phương. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành "công nghiệp không khói", muốn khai thác tốt tiềm năng di sản văn hóa cần phải có sự đầu tư, tôn tạo và sự góp sức của bàn tay con người.

Ưu tiên đầu tư xây dựng thương hiệu, xây dựng điểm dừng chân cho du khách, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, khách sạn, nhà hàng ăn uống… là những giải pháp đã được ngành du lịch đề ra. Bên cạnh đó, đại diện Vụ Đào tạo (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, muốn phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch cần phải đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc đào tạo đội ngũ thuyết minh tại các khu vực có di tích cần được đẩy mạnh. Một hướng đi hiệu quả để bổ sung nguồn hướng dẫn viên du lịch là tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ du lịch trong cộng đồng, phấn đấu để mỗi người dân tham gia vào hoạt động phục vụ du lịch đều được hướng dẫn về văn hóa du lịch, có thái độ ứng xử đúng mực với du khách.

Chọn chủ đề cho Năm Du lịch quốc gia 2012 là Du lịch Di sản không chỉ là đưa di sản vào phát triển du lịch mà còn là cách thu hút cộng đồng vào bảo vệ di sản. Có "đi bằng hai chân" như vậy thì du lịch di sản mới phát triển và bền vững.

Xuân Lộc