HUD - Thương hiệu gắn với các khu đô thị mới
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:02, 08/07/2011
Trước khi trở thành tập đoàn, thương hiệu HUD của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đã gắn với nhiều khu đô thị mới (KĐTM) quy mô lớn trên địa bàn cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Trong đó, KĐTM Linh Đàm - một trong hai KĐTM được công nhận là "Khu đô thị kiểu mẫu"- là nơi đã khởi xướng và hình thành trào lưu đầu tư, phát triển các khu nhà ở cao tầng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, được quản lý vận hành chuyên nghiệp. Nhờ mô hình này, nhà chung cư cao tầng, từ chỗ bị coi là làm xấu bộ mặt đô thị, đã trở thành hình mẫu phát triển lý tưởng, phù hợp với các đô thị tập trung đông dân cư, như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, HUD là chủ đầu tư của hầu hết các KĐT có quy mô lớn, trong đó nhiều KĐT đã trở thành nơi ở văn minh, hiện đại của hàng ngàn hộ gia đình, như Pháp Vân-Tứ Hiệp, Văn Quán, Bán đảo Linh Đàm, Việt Hưng, Vân Canh, Nam An Khánh, Mai Trai-Nghĩa Phủ, Thanh Lâm-Đại Thịnh…
Khu đô thị Linh Đàm, một trong những công trình do HUD xây dựng. Ảnh: Đàm Duy
Với vai trò "đầu tàu" trong phát triển nhà ở - KĐT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị được chọn làm nòng cốt của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị; từ đó thương hiệu HUD cùng với các doanh nghiệp mạnh thuộc Bộ Xây dựng, gồm các Tổng Công ty: Xây dựng Hà Nội (HANCORP), Thủy tinh và gốm xây dựng (VIGLACERA), Xây dựng Bạch Đằng, Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam (VIWASEEN) sẽ giữ vai trò điều tiết thị trường BĐS mới hình thành và phát triển ở Việt Nam. Nếu Tổng Công ty HUD - là đơn vị đã khởi xướng và thực hiện mô hình phát triển đô thị và nhà ở, thì 4 tổng công ty thành viên đều là những đơn vị có thế mạnh trong các lĩnh vực thi công xây lắp, SXKD vật liệu xây dựng, đầu tư xây dựng các dự án cấp nước sạch, xử lý môi trường. Trên thực tế, mối quan hệ giữa các đơn vị thành viên Tập đoàn đã có từ trước, nay càng được gắn kết hơn theo thế mạnh của từng đơn vị, để cùng phục vụ cho "Chương trình phát triển nhà ở" của Tập đoàn. Trên cơ sở chiến lược phát triển các dự án nhà ở (với 43 dự án phát triển đô thị, tương đương 26 triệu mét vuông sàn nhà ở tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam), Hội đồng thành viên Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2011-2015, trong đó trọng tâm là thực hiện chương trình phát triển nhà ở với mục tiêu hoàn thành 12 triệu mét vuông sàn, trong đó nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ 10%, tập trung tại các địa bàn trọng điểm là các đô thị, thành phố lớn có nhu cầu cao về nhà ở, bám sát chiến lược phát triển đô thị và nhà ở đã được Thủ tướng phê duyệt.
Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược trên, Tập đoàn đã nghiên cứu xây dựng cơ chế triển khai dự án theo hình thức Chính phủ giao dự án có quy mô lớn về phát triển nhà ở và khu đô thị tại các địa bàn trọng điểm để Tập đoàn tập trung nguồn lực, triển khai các khâu lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, phương án huy động vốn, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ có cơ chế giao các chủ đầu tư cấp 2 triển khai các dự án nhà ở để tham gia điều tiết thị trường và triển khai các dự án phục vụ các chương trình an sinh xã hội. Ngoài ra, Tập đoàn triển khai chương trình phối hợp giữa các đơn vị thành viên để thực hiện các mục tiêu, định hướng chung của Tập đoàn, nhằm khai thác, phát huy thế mạnh các đơn vị thành viên, tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên tăng tích lũy vốn chủ sở hữu. Về tài chính, Tập đoàn tập trung tối đa các nguồn vốn để thực hiện chương trình phát triển nhà ở; thiết lập cơ chế quản lý vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - Tập đoàn và tạo sự liên kết tài chính với các đơn vị thành viên, sử dụng cơ chế tài chính như một công cụ điều hành của Tập đoàn. Năm 2011, thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, một mặt Tập đoàn rà soát các dự án trong kế hoạch SXKD, xác định các dự án hiệu quả thấp, không có tính khả thi, khó thu xếp được nguồn vốn trong điều kiện thắt chặt chính sách tài khóa để tạm dừng, hoãn hoặc giãn tiến độ để tập trung nguồn lực vào các dự án khả thi có hiệu quả cao thuộc lĩnh vực SXKD chính của Tập đoàn; mặt khác, Tập đoàn triển khai giải pháp thúc đẩy SXKD, kiểm soát chi phí, thực hành tiết kiệm, đổi mới sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trị đầu tư, kinh doanh các dự án trong chương trình phát triển nhà ở; tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn vẫn được bảo đảm để tạo điều kiện thực hiện kế hoạch đầu tư và kinh doanh chuyển tiếp của năm 2012 và các năm tiếp theo.