Đề xuất tăng lương tối thiểu với khu vực doanh nghiệp từ ngày 1-10-2011

Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 08/07/2011

Trợ cấp khó khăn cho người lao động thu nhập dưới 2,2 triệu đồng (HNM) - Sẽ tăng lương tối thiểu sớm để bảo đảm đời sống người lao động. Đây là nội dung chính tại hội nghị lấy ý kiến các sở LĐ-TB&XH, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo vùng trong các loại hình doanh nghiệp.

Các ý kiến cho biết đề xuất tăng lương tối thiểu vùng sớm trước lộ trình 3 tháng là yêu cầu thực sự cấp bách trong tình hình hiện nay.


Theo phương án đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng theo 4 vùng và sẽ sáp nhập lương tối thiểu trong tất cả các loại hình doanh nghiệp (không phân biệt loại hình doanh nghiệp trong nước và FDI như trước đây). Nguyên nhân đưa ra là mức lương tối thiểu hiện còn thấp, chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm 2011, Hà Nội đã có 35 cuộc tranh chấp lao động và nguyên nhân chủ yếu là những vấn đề liên quan đến tiền lương. Hầu hết trong số 250 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội, vẫn chỉ chấp nhận áp dụng mức lương tối thiểu. Mức lương trung bình tại Hà Nội khoảng 1,7 triệu đồng/tháng và hoàn toàn không có trợ cấp. Công nhân có thâm niên trong nghề cũng không có khoản trợ cấp nào khác.

Theo phương án đưa ra, từ ngày 1-10-2011 sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng sớm hơn 3 tháng so với lộ trình Đề án cải cách tiền lương. Cụ thể: Mức lương thống nhất ở cả hai loại hình DN (DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI) ở vùng 1 là 1,9 triệu đồng/tháng; vùng II lên 1.730.000 đồng/tháng; vùng 3 lên 1.550.000 đồng/tháng; vùng 4: 1.400.000 đồng/tháng). Với phương án trên sẽ bảo đảm được mức sống tối thiểu và tiền lương thực tế của người lao động trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng. Các mức lương dự kiến từ 1,4-1,9 triệu đồng (70-92 USD) là tương đương với mức lương tối thiểu của các nước trong khu vực như Lào, Indonesia, Philippines… Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Chính phủ có quy định DN hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động mức tối thiểu 15.000 đồng/bữa/người (tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/bữa). Đối với DN 100% vốn nhà nước thì tăng lên 730.000 đồng/tháng (hiện nay là 620.000 đồng/tháng).

*Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 92/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với người lao động trong doanh nghiệp. Thông tư này áp dụng đối với các DN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty nhà nước chưa chuyển đổi. Đối tượng được áp dụng trợ cấp là người lao động có tên trong danh sách lao động của DN tại thời điểm 30-3-2011, có thu nhập từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống (trừ các khoản tiền thưởng từ lợi nhuận sau thuế của DN, tiền ăn ca, tiền chế độ bồi dưỡng nghề độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại nguy hiểm). DN căn cứ vào nguồn quỹ tài chính hợp pháp và khả năng tài chính để quyết định mức trợ cấp khó khăn cụ thể cho người lao động, tối thiểu là 250.000 đồng/người. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10-8-2011.

Kim Vũ - Hương Ly