Libya: Cuộc tìm kiếm khó khăn
Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 08/07/2011
Quân nổi dậy tấn công vào cửa ngõ thủ đô Tripoli. |
Nhờ các loại vũ khí do Pháp cung cấp và sự yểm trợ từ các cuộc không kích ngày càng gia tăng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm vào các xe bọc thép của lực lượng ủng hộ Tổng thống Muammar Gaddafi ở tuyến đầu, lực lượng nổi dậy đã tấn công nhiều địa điểm ở khu vực Gualish cũng như vùng Tây Nam thủ đô Tripoli. Trước đó, các số liệu của NATO được công bố cho thấy, tần suất máy bay chiến đấu dội bom tại Libya đang tăng lên đáng kể. Chỉ riêng trong đêm 3-7, NATO đã thực hiện 71 chuyến xuất kích, gấp gần hai lần cường độ hàng ngày trong những tuần qua, để oanh tạc các mục tiêu thuộc mặt trận phía Đông ở Brega và xung quanh Tripoli. Trong khi những nỗ lực của các nước, các tổ chức nhằm kiến tạo một giải pháp cho vấn đề Libya thì những hành động quân sự đang khiến tình hình thêm phức tạp. Vẫn biết, mục đích chính của NATO là lật đổ Tổng thống M.Gaddafi, nhưng sau 5 tháng xung đột, các hành động quân sự giờ đây được nhìn nhận không phải là một giải pháp hoàn hảo.
Là quốc gia bỏ phiếu trắng về Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an (HĐBA) - về thiết lập vùng cấm bay - Nga luôn chủ trương các bên liên quan phải chấm dứt ngay chiến sự, ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Nước này vẫn bất đồng về chiến dịch trên không của phương Tây tại Libya. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sau cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, ngày 4-7, đã phát biểu nêu rõ, đến nay không có nhận thức chung nào về cách thức triển khai thực hiện theo Nghị quyết 1973 của HÐBA (thông qua ngày 17-3-2011). Cùng ngày, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng thảo luận về các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Trước đó, ngày 1-7, trong hội nghị tại Equatorial Guinea, các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhất trí về một kế hoạch hòa bình, theo đó ông M.Gaddafi đứng ngoài các cuộc đàm phán với quân nổi dậy và Liên minh châu Phi (AU) đã chuyển kế hoạch này cho cả Chính phủ và phe nổi dậy Libya với hy vọng kế hoạch có thể dẫn tới các cuộc thương lượng. Tuy nhiên, kế hoạch ấy đã bị dội gáo nước lạnh, khi quân nổi dậy tại quốc gia Bắc Phi này bác bỏ thẳng thừng với lý do kế hoạch vẫn để nhà lãnh đạo M.Gaddafi nắm giữ quyền lực.
Rõ ràng, yêu cầu tiên quyết của phe nổi dậy do Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) đứng đầu và NATO là ông M.Gaddafi phải ra đi. Nhưng, việc ra đi hay không của nhà lãnh đạo này lại do chính người dân Libya quyết định. Người phát ngôn của Chính phủ Libya, ngày 5-7, đã thông báo với hãng tin Reuters rằng, không đàm phán về việc nhà lãnh đạo M.Gaddafi từ bỏ quyền lực và nhấn mạnh, "đây là lập trường nguyên tắc của chúng tôi và tương lai của Libya sẽ do người Libya quyết định". Việc các nước phương Tây khăng khăng bắt giữ hay gạt bỏ ông M.Gaddafi sang một bên sẽ khiến tình hình Libya thêm phức tạp và ngăn cản những nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở đất nước Bắc Phi này. Một lộ trình giúp Libya thoát khỏi xung đột dưới sự trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế như AU hay Nga hiện được xem là khả dĩ có thể giúp quốc gia này thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn xung đột nhưng lộ trình này xem ra thật khó mở.
Trong một động thái mới, ngày 6-7, Tổng Thư ký NATO A.F.Rasmussen xác nhận liên minh quân sự này sẽ gặp các lãnh đạo quân nổi dậy Libya vào ngày 13-7, và sẽ đưa ra một lộ trình cho việc chuyển đổi hướng tới nền "dân chủ" tại Libya. Tuy nhiên, hy vọng về lộ trình này xem ra cũng rất mong manh khi cuộc xung đột hiện nay ở Libya chưa có dấu hiệu ngừng mở rộng.