Tầm nhìn và lợi ích nhóm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:27, 08/07/2011

(HNM) - Chín nghìn tấn than nhập khẩu đầu tiên đã cập cảng nước ta. Câu chuyện tưởng như viễn tưởng ấy, giờ đã thành sự thật. Nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các nguyên, nhiên liệu mà mình không có hoặc chưa sản xuất được, để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế là điều bình thường đối với tất cả các quốc gia.


Nhưng, với chúng ta, chuyện nhập khẩu than đúng như một nghịch lý mà từ thực tế ấy không ai không đặt câu hỏi: Chuyện này do hạn chế về tầm nhìn, hay chính sự chi phối của lợi ích nhóm đã đưa đến các quyết định ấy?

Cách đây chừng dăm năm, không chỉ các nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế chuyên ngành đã từng đưa ra dự báo, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 6-7%, nhu cầu về điện năng sẽ tăng theo và riêng với ngành than, lượng than thực tế có được ở Việt Nam, đặc biệt là Quảng Ninh sẽ đáp ứng ít nhất đến hết năm 2030.

Dự báo ấy không phải là sự lạc quan tếu và hoàn toàn không hề duy ý chí. Nhưng phải chăng dự báo ấy đã vấp phải một tầm nhìn quá ngắn, bị chi phối bởi lợi ích nhóm nên mất đi tính thuyết phục trong quá trình vận động thực tế. Chuyện nhà nhà làm than, người người làm than để xuất khẩu theo đủ đường khiến chỉ trong mấy năm, tốc độ tăng trưởng của ngành than, đặc biệt tại các công ty khai thác và xuất khẩu than ở khu vực Quảng Ninh, luôn đạt những con số không dễ tưởng. Chưa bao giờ lãnh đạo các công ty, xí nghiệp cả quốc doanh lẫn tư doanh của ngành than rủng rỉnh tiền như thế. Chỉ đau một điều, thêm nhiều người giàu thế mà ngành không mạnh, để góp cho nước mạnh thêm.

Người nói cứ nói, người làm cứ làm. Lợi nhuận đã tạo nên các nhóm lợi ích. Than cứ tiếp tục chảy qua biên giới bất chấp đôi ba quy định nửa vời, bất chấp đôi ba cuộc ra quân mà chưa dàn trận thì các cai than đã biết tránh vào đâu sẽ ổn.

Sự thật ấy, không phải các cơ quan chức năng không biết. Tại diễn đàn Quốc hội khóa XII, tháng 5-2010, đại biểu Nguyễn Đình Xuân không chỉ phản ánh một thực tế quá buồn của ngành than, mà còn nêu quan điểm yêu cầu cấm xuất khẩu than, hoặc nếu cho xuất phải đánh thuế ở mức thật cao.

Còn ngành than, con số dự báo nhập khẩu cho năm 2015 sẽ là 5,8 triệu tấn, năm 2016 là 25 triệu tấn và năm 2020 đạt tới 66 triệu tấn.

Nhìn những dãy núi than mà người nước ngoài mua được từ Việt Nam, giờ tạm che, lấp lại để dụm dành cho con cháu họ, mới thấy tầm nhìn của họ xa đến đâu khi họ biết khai thác vào đúng huyệt lợi ích nhóm của chúng ta.

Nguyễn Hòa Bình