Sẽ ban hành 4 thông tư về truyền hình trả tiền

Đời sống - Ngày đăng : 15:59, 07/07/2011

Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền (THTT) do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã được áp dụng vào cuộc sống. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, xung quanh việc triển khai quy định mới này.


PV: Thưa ông, Quy chế quản lý hoạt độngTHTT đã được Thủ tướng thông qua tại Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg. Ông có thể cho biết một số nét chính về việc triển khai quyết định này?


Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử: Để triển khai thực hiện Quyết định này, thứ nhất, sẽ ban hành một số thông tư hướng dẫn cụ thể các nội dung của quy chế. Thứ hai là triển khai công tác tập huấn cho các đơn vị chức năng, các đài phát thanh truyền hình và các công ty hiện đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Về các thông tư, dự kiến sẽ ban hành 4 thông tư hướng dẫn những quy định cụ thể của Quy chế này. Đó là, Thông tư ban hành các biểu mẫu đăng ký, đơn, giấy phép; Thông tư quy định danh mục các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu của trung ương và địa phương; Thông tư quy định quản lý chất lượng dịch vụ THTT (3 Thông tư này do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng) và Thông tư do Bộ Tài chính chủ trì quy định phí, lệ phí đối với THTT.

Về công tác phổ biến, tập huấn, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo cho các Sở Thông tin truyền thông, các đài phát thanh truyền hình và các đơn vị hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực THTT về Quy chế này.

Thời gian tới, trong quá trình ban hành các Thông tư trên thì sẽ tiếp tục có các cuộc hội thảo chuyên sâu để làm rõ thêm những nội dung của Quy chế.

PV: Quyết định 20/2011/QĐ-TTg đã xác định được "khung pháp lý" có tác dụng quản lý THTT như thế nào thưa ông, đặc biệt là ở những khía cạnh chuyên ngành?


Ông Lưu Vũ Hải: Quyết định này, nói tổng thể là một văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh tương đối đồng bộ và toàn diện hoạt động của THTT, trong đó điều chỉnh cả các hoạt động về cung cấp nội dung, cung cấp dịch vụ và về thiết lập hạ tầng kỹ thuật.

Như vậy là đã có khung quy định đầy đủ, rõ ràng về 3 khía cạnh cơ bản trong việc quản lý hoạt động THTT. Đó là, quản lý nội dung thì theo Luật Báo chí, quản lý hạ tầng thì theo quy định pháp luật về viễn thông, quản lý dịch vụ của hoạt động THTT theo quy định của Quy chế này.

Trước khi có Quy chế này thì THTT được quản lý theo luật Báo chí, chủ yếu là về nội dung; vấn đề dịch vụ, hạ tầng, chất lượng phí, lệ phí không điều chỉnh được.

PV: Xin ông cho biết lộ trình thực hiện đối với các đài phát thanh truyền hình thuộc đối tượng áp dụng Quy chế quản lý hoạt động THTT?

Ông Lưu Vũ Hải:
Theo lộ trình thực hiện, các đài phát thanh, truyền hình đã được cấp phép hoạt động THTT trước ngày 15/5 (ngày có hiệu lực của Quy chế) , trong thời hạn 1 năm kể từ ngày có hiệu lực của Quy chế này phải tổ chức lại mô hình hoạt động THTT theo quy định của Quy chế.

Các đơn vị hoạt động THTT được tổ chức lại theo quy định trên và các doanh nghiệp có hạ tầng kỹ thuật cung cấp dịch vụ THTT nhưng chưa có giấy phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông trước ngày có hiệu lực của Quy chế này nếu tiếp tục sở hữu hạ tầng kỹ thuật và cung cấp dịch vụ THTT, sẽ phải làm thủ tục đề nghị cấp phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông và cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có hiệu lực của Quy chế này.

Các đài phát thanh, truyền hình đã được cấp phép cung cấp, biên tập các kênh truyền hình nước ngoài trên THTT trước ngày có hiệu lực của Quy chế này, nếu tiếp tục cung cấp kênh chương trình truyền hình nước ngoài trên THTT phải làm thủ tục đề nghị cấp phép biên tập các kênh chương trình nước ngoài theo quy định tại Quy chế này trong thời hạn 1 năm kể từ ngày có hiệu lực của Quy chế quản lý hoạt động THTT.

Các đại lý ủy quyền cung cấp các kênh chương trình nước ngoài trên THTT tại Việt Nam phải thực hiện việc đăng ký trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có hiệu lực của Quy chế này.

PV: Với những quy định như trên, Quy chế này sẽ góp phần phát triển THTT hay hạn chế lĩnh vực này, thưa ông?

Ông Lưu Vũ Hải: Mục tiêu của Quy chế là khuyến khích phát triển THTT. THTT sẽ được khuyến khích phát triển, nhưng nó phải đáp ứng được 2 nhiệm vụ: một là nhiệm vụ về thông tin tuyên truyền, tức nhiệm vụ chính trị; hai là nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giải trí.

Hai tiêu chí này phải được đáp ứng đồng thời chứ không phải nói đến THTT là chỉ có giải trí mà phải nhấn mạnh nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. Do đó, mục đích của quy chế là để khuyến khích phát triển THTT chứ không phải để hạn chế hoặc thu hẹp.

Hiện nay đang có ý kiến có sự chênh lệch giữa các kênh nước ngoài và trong nước. Các kênh nước ngoài nhiều và kênh trong nước còn hạn chế, đặc biệt là về chất lượng của kênh trong nước.

Quy chế này khuyến khích thúc đẩy các kênh trong nước theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa của dân tộc . Do đó, sẽ tạo sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn, nâng cao vị thế của truyền hình trong nước. Còn các kênh nước ngoài sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo CP