Nghịch lý?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 07/07/2011
Theo tính toán, để sản xuất và kinh doanh điện có lãi, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư phát triển nguồn điện, giá điện phải tăng lên trên dưới 60%. Thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường là việc phải làm, nhưng để làm được việc này cần minh bạch về giá thành sản xuất điện và làm rõ những nghịch lý trong sản xuất và phân phối hiện nay.
Chi phí sản xuất và vận hành hệ thống truyền tải, phân phối điện vẫn chưa công khai, nhưng nhà sản xuất cho là phù hợp và đủ sức khuyến khích đầu tư sẽ vào khoảng từ 1.400 đồng đến 1.500 đồng/kWh. Qua các cuộc thương lượng giá cả giữa bên mua là EVN và bên bán là các đơn vị TKV, PVN, thì EVN phải bán lẻ với giá hơn 1.600 đồng/kWh cho người sử dụng. Tuy nhiên, cũng có thông tin khác để so sánh là giá mua bán điện giữa EVN và của nước ngoài chỉ hơn 1.200 đồng/kWh. Với giá bán nói trên, nhà sản xuất điện của nước ngoài phải có hiệu quả, thậm chí lãi cao để bù cho chi phí đầu vào. Như vậy, sự chênh lệch giữa giá điện mua của nước ngoài và mức mà các công ty sản xuất điện trong nước đề xuất đã phần nào cho thấy nghịch lý trong giá điện ở nước ta. Bởi, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện nước ngoài phải mua than của nước ta theo giá thị trường quốc tế, cao gấp 3 lần so với giá bán cho các nhà máy nhiệt điện trong nước, nhưng vẫn có thể bán điện cho nước ta với giá thấp hơn so với nhiệt điện sản xuất ở trong nước. Vậy, vấn đề này có thể bắt nguồn từ việc xây dựng nhà máy điện bị thất thoát, lãng phí, hoặc chậm tiến độ; công nghệ sử dụng trong các nhà máy điện lạc hậu, nên suất tiêu hao nguyên liệu đầu vào cao; chất lượng quản lý, điều hành sản xuất kém, công tác điều độ của hệ thống điện của cả nước bất cập..., khiến cho các nhà máy điện chưa phát huy tối đa công suất.
Rõ ràng, ngành điện cần minh bạch giá sản xuất và phân phối thì mới có thể thực hiện có hiệu quả giá điện theo cơ chế thị trường.