Hiểu biết đầy đủ về pháp luật lao động

Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 07/07/2011

(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam vừa tổ chức hội thảo về tăng cường phổ biến pháp luật lao động đến người lao động và chủ sử dụng lao động. Theo chỉ tiêu mà hai cơ quan này đặt ra, đến hết năm 2012, sẽ có 70% người lao động và 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Chỉ tiêu là vậy, nhưng vấn đề căn bản trong thực tế là doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh thực hiện.

Theo chỉ tiêu mà hai cơ quan này đặt ra, đến hết năm 2012, sẽ có 70% người lao động và 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Chỉ tiêu là vậy, nhưng vấn đề căn bản trong thực tế là doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh thực hiện.

Người lao động cần được tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động nhằm tránh những tranh chấp phát sinh không đáng có do thiếu hiểu biết. Ảnh: Khánh Nguyên


Phân tích về các vụ tranh chấp lao động, đặc biệt là tranh chấp lao động tập thể, các chuyên gia đều cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu là do chủ sử dụng lao động trả lương công nhân quá thấp. Nguyên nhân thứ hai là do một số chủ sử dụng lao động đã vi phạm pháp luật lao động như trốn đóng BHXH cho người lao động (NLĐ); cắt xén các chế độ như độc hại, thai sản..., ép làm thêm mà không trả lương ngoài giờ cho NLĐ; không thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ. Và nguyên nhân nữa là do NLĐ không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật.

Ông Phùng Quang Huy, Trưởng ban Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, quan hệ giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa được tiến hành thương lượng, thỏa thuận, nhất là đối với tiền lương. Mặc dù việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể là bắt buộc, song trên thực tế nhiều lao động không hề biết đến điều này. Thỏa ước lao động tập thể song hành cùng nội quy lao động trong doanh nghiệp góp phần xây dựng quan hệ công nghiệp, tác phong công nghiệp cho NLĐ và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và thế giới. Tiền lương tối thiểu hiện nay đã không đem lại hiệu quả cao như bản chất của việc quy định mức lương tối thiểu.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động lại cho rằng để làm giảm bớt các cuộc tranh chấp lao động tập thể thì điều quan trọng là phải xây dựng được một cơ chế thương lượng. Bằng cách nào đó để NLĐ ngồi đàm phán được với chủ sử dụng về các vấn đề lương, bảo hiểm xã hội, tiền làm thêm giờ… Cả hai bên thỏa thuận được với nhau về lợi ích để cùng hợp tác. Nếu hai bên chưa thể ngồi với nhau để thỏa thuận thì chuyện tranh chấp lao động sẽ mãi mãi không giải quyết được. Một trong những điều quan trọng nhất khi xây dựng cơ chế thương lượng là NLĐ phải có người đại diện thực sự của mình. Đây vẫn là điểm yếu trong quan hệ lao động ở nước ta. Bên cạnh đó, NLĐ phải có kiến thức về pháp luật lao động để có thể thương lượng, đàm phán với giới chủ theo đúng luật pháp lao động.

Thực tế vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến sự việc đáng tiếc tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ vừa qua, nhiều lao động tham gia ngừng việc cho biết, mặc dù biết mức lương doanh nghiệp trả là quá thấp, không đủ chi phí sinh hoạt nhưng họ vẫn ký hợp đồng để có việc làm rồi sau đó mới đấu tranh đòi tăng lương dần. Trong khi đó, phía doanh nghiệp cố tình cắt giảm chi phí về lương bằng cách chỉ trả mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Như vậy họ vừa không bị sai luật nhưng lại cắt giảm được chi phí lương, chi phí đóng BHXH cho NLĐ.

Ở góc độ phổ biến pháp luật lao động cho NLĐ, các chuyên gia cho rằng, việc cần thiết trước mắt là tăng cường phổ biến pháp luật cho NLĐ, tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tăng thêm các phòng tư vấn pháp luật lao động tại các quận, huyện, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Riêng với Hà Nội, nhiều năm nay Sở LĐ-TB&XH đã duy trì hệ thống tư vấn trực tiếp về quan hệ lao động, pháp luật lao động thông qua Tổng đài điện thoại 1088. Đây sẽ là các địa chỉ tin cậy để NLĐ và kể cả chủ sử dụng lao động được tư vấn chi tiết, cụ thể mỗi khi phát sinh những mâu thuẫn lao động cá nhân hoặc tập thể. Làm tốt điều này, NLĐ sẽ hiểu sâu hơn về pháp luật lao động và hạn chế được những tranh chấp phát sinh do sự thiếu hiểu biết về pháp luật lao động.

Bảo Chân