Xây dựng kinh tế tri thức Thủ đô qua những câu hỏi về thực trạng

Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 07/07/2011

Trong các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 thì hầu như hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đều đề cập đến vai trò của khoa học, công nghệ và vị trí của con người - khoa học - công nghệ.

Trong các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 thì hầu như hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đều đề cập đến vai trò của khoa học, công nghệ và vị trí của con người - khoa học - công nghệ.

Quan điểm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó phát triển nhanh là yêu cầu cấp thiết, bền vững là yếu tố tiên quyết xuyên suốt trong chiến lược. Thực hiện quan điểm này phải chú trọng phát triển theo chiều sâu trong kết hợp phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, chất lượng cạnh tranh, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn mạnh ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, đây còn là tư tưởng nền tảng chỉ đạo phát triển kinh tế tri thức.


Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững.   


Quan điểm coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài có vị trí quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững. Nói cách khác, đây là vị trí của con người - khoa học - công nghệ trong lao động sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chỉ tiêu chiến lược cũng xác định rõ: Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP vào năm 2020. Báo cáo chính trị xác định tỉ lệ này là 35% vào năm 2015 và nhấn mạnh “Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020”. Đây vừa là chủ trương lớn, vừa là yêu cầu bắt buộc các cấp, các ngành phải thực hiện để phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bảo đảm hài hòa với phát triển các vấn đề văn hóa, xã hội. Phát triển khoa học công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức cũng là tinh thần xuyên suốt chiến lược phát triển đất nước.

Đến vận dụng hiệu quả vào thực tiễn của Thủ đô


Hà Nội đang chủ trương tăng cường hoạt động khoa học, công nghệ hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh; khuyến khích ứng dụng để phát triển các sản phẩm mới trong các lĩnh vực thông tin - điện tử, sinh học, cơ khí - tự động hóa; dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ; phát triển thị trường khoa học - công nghệ; phát triển các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ…

Tuy vậy, nghiên cứu những quan điểm, đường lối và các chủ trương lớn của Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ TP về phát triển khoa học, công nghệ, chúng tôi xin nêu một số vấn đề cần quan tâm sau:

a. Phát triển khoa học, công nghệ Thủ đô như là một động lực quan trọng của quá trình phát triển theo tinh thần chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020 phải được bắt đầu xây dựng kế hoạch ngay từ bây giờ. Sự bắt đầu này phải thể hiện cho được một kế hoạch có lộ trình cụ thể.
b. Phát triển mạnh kinh tế tri thức được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong 5 năm tới. Đồng thời cũng xác định các thành phần cơ bản của kinh tế tri thức là công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Có lẽ chỉ khẳng định như thế trong kế hoạch thì chưa thỏa mãn để triển khai một chủ trương lớn, quan trọng trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô.

Hà Nội chúng ta với tư cách là Thủ đô, nơi tập trung nguồn lực khoa học, công nghệ mạnh nhất nước, không thể không sớm xây dựng và triển khai cho được lộ trình phát triển kinh tế tri thức của Thủ đô 5 năm, 10 năm tới. Để xác định được lộ trình này, không thể không chỉ ra hình hài kinh tế tri thức ở Thủ đô nó như thế nào? Những yếu tố tri thức nào đang thâm nhập và hiện trạng mức độ thâm nhập của chúng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ? Những lĩnh vực nào, ngành kinh tế nào cần được tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng và tỉ lệ hàm lượng khoa học, công nghệ cao cho sản phẩm công nghiệp và dịch vụ?... Trả lời những câu hỏi đó là tạo tiền đề cho xác định lộ trình phát triển kinh tế tri thức, nếu không chỉ là những mệnh đề quyết tâm chính trị mà thôi.

c. Thực hiện chỉ tiêu Đại hội XI của Đảng đề ra: Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 35% trong tổng GDP vào năm 2015 và 40% vào năm 2020, Hà Nội phải đầu tư phấn đấu đạt cao hơn thế. Nhưng có lẽ việc làm đầu tiên là phải trả lời các câu hỏi:
- Những sản phẩm công nghệ nào được gọi là sản phẩm công nghệ cao và hiện chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng GDP của Hà Nội?
- Những lĩnh vực nào, những ngành nào ứng dụng công nghệ cao và những sản phẩm của chúng đạt tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng GDP của Hà Nội?
Chỉ trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng bức tranh ấy, mới có thể xây dựng được kế hoạch đầu tư nâng cao chất lượng, tăng tỉ lệ hàm lượng công nghệ cao cho các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ. Và cũng từ hiện trạng thực tiễn này mới xác định được chỉ tiêu giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GDP của Hà Nội là bao nhiêu phần trăm vào năm 2015. Chắc chắn tỉ lệ này phải cao hơn 35% bình quân toàn quốc, vì Hà Nội có tiềm lực khoa học, công nghệ đứng đầu cả nước.
d. Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng chỉ rõ, phát triển kinh tế tri thức phải dựa trên cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhiều vấn đề đang đặt ra đòi hỏi chúng ta phải trả lời cho thấu đáo. Đó là:
- Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông ở Hà Nội theo hướng chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phải triển khai bằng những phương thức nào? Lộ trình và đích phải đạt trong 5 năm, 10 năm tới là gì?
- Hiện trạng năng lực của đội ngũ khoa học, công nghệ thực sự có đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đang ở mức độ nào, ở những ngành nào (không đồng nghĩa với thống kê đội ngũ cán bộ có học hàm, học vị)? Theo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và phát triển kinh tế tri thức thì sự thiếu hụt ra sao? Cần sớm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực này cho ngành nào, bao nhiêu theo lộ trình hằng năm?
e. Để khai thác triệt để tiềm năng và tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao năng lực, vị trí của khoa học, công nghệ trên địa bàn thì yếu tố phối hợp, kết hợp thực sự giữa chính quyền, doanh nghiệp, các nhà khoa học đang là yêu cầu cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong mối quan hệ này, tùy từng vấn đề cụ thể, chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học đều có thể và phải đóng vai trò chủ động. Bức tranh thực trạng mối quan hệ này đã phản ánh mức độ phát huy tiềm năng vốn có đến đâu? Phải chăng cần một cơ chế khuyến khích của chính quyền để thúc đẩy quan hệ này cho tương xứng với tiềm năng to lớn của Thủ đô.

PGS.TS Phạm Xuân Hằng