Siết chặt quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 07/07/2011
Nghị định nêu rõ, trước 10 ngày (nhưng không quá 30 ngày), kể từ ngày giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động cho Sở LĐ-TB&XH đã cấp giấy phép lao động đó. Và trong thời hạn 10 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động hợp lệ, Sở LĐ-TB&XH phải gia hạn giấy phép lao động, nếu không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do...
Về trình tự cấp lại giấy phép lao động, nghị định nêu rõ, trong thời hạn 3 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày người nước ngoài phát hiện giấy phép lao động bị mất, bị hỏng, bị thay đổi số hộ chiếu, nơi làm việc ghi trên giấy phép lao động đã cấp thì có trách nhiệm báo cáo người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam, đại diện tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Trong thời hạn 30 ngày , chủ sử dụng lao động, đại diện tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép lao động cho Sở LĐ-TB&XH nơi đã cấp trước đó. Trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ , Sở LĐ-TB&XH phải cấp lại giấy phép lao động cho chủ sử dụng lao động, nếu không cấp phải nêu rõ lý do bằng văn bản...
Như vậy, nhiều điều trong Nghị định 34 của Chính phủ đã được sửa đổi, thay thế nhằm hoàn thiện hơn chính sách cấp phép và quản lý người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ý kiến của các cơ quan liên quan thì vẫn còn nhiều điểm mà nghị định chưa đề cập đến hoặc gây "khó" cho các đơn vị quản lý lao động nước ngoài. Chẳng hạn, chưa có tiêu chuẩn với lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thực tế hiện nay, có rất nhiều lao động phổ thông được cấp phép trong khi nguồn lao động của Việt Nam có thể đáp ứng được. Thời gian quy định là 60 ngày để Việt Nam tuyển dụng trên 500 lao động và 30 ngày để tuyển dưới 500 lao động sẽ là khó khăn bởi các đơn vị tuyển dụng rất khó đào tạo sơ cấp nghề trong những thời gian đó để đáp ứng được yêu cầu của nhà thầu nước ngoài…
Theo kiến nghị của một số địa phương, cần phải có thêm quy định cân đối hoặc mở rộng thời gian tuyển dụng lao động Việt Nam để tạo cơ hội cho lao động trong nước tìm được việc làm ngay tại địa phương. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về trình độ chuyên môn kỹ thuật từng vị trí công việc đối với lao động nước ngoài.
Tại nhiều địa phương, lực lượng Thanh tra lao động đã kiểm tra ráo riết nhiều công trình có nhà thầu nước ngoài thì thấy lao động phổ thông là những người đi lậu, ở lại làm việc bằng visa du lịch nên ngành lao động không thể xử lý được mà cần có sự vào cuộc của công an. Ông Hoàng Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, nơi đang quản lý khoảng 1.000 lao động nước ngoài cho biết, hiện các nhà thầu dùng lao động nước ngoài qua cả nguồn chính thức là có giấy phép và nguồn không chính thức là lao động có visa du lịch, nên nếu có quy định bắt buộc phải đăng ký đi cùng với chế tài thì sẽ dễ hơn cho địa phương quản lý.
Thống kê chưa chính thức, hiện có trên 60.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, lao động bất hợp pháp là trên 10.000 người. Với quy định mới của Chính phủ, các cơ quan thực hiện đã gặp nhiều thuận lợi hơn trong công tác thực hiện, kiểm tra, quản lý. Tuy nhiên, với một số điểm chưa phù hợp với thực tế như đã nêu, cần có thêm những quy định để tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như tạo thêm cơ hội cho lao động Việt Nam được làm việc ngay tại quê hương mình.