Bỏ thương, vương... lỗ !

Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 06/07/2011

(HNM) - Điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) từng là niềm tự hào của ngành bưu chính - viễn thông, vì mang bản sắc riêng và tồn tại để phục vụ lợi ích công cho xã hội, góp phần nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ thông tin.


Điểm BĐVH xã Tiên Dược (Sóc Sơn) thời điểm đông vui nhất.


Ra đời cách đây hơn 10 năm, điểm BĐVHX là mô hình kết hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản (hiện nay có cả internet), với việc phổ biến thông tin, đọc sách báo miễn phí cho người dân vùng ngoại thành. Hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội có 381 điểm BĐVHX thuộc 6 bưu điện trung tâm, nằm tập trung ở các vùng nông thôn. Thời gian đầu, điểm BĐVHX cung cấp dịch vụ: Chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện, tem thư, đặt báo chí, điện thoại, điện báo và phục vụ đọc miễn phí sách, báo, tạp chí... Sau đó, điểm BĐVHX mở rộng thêm một số dịch vụ như: thu tiền điện thoại, truy cập internet, bán thẻ điện thoại… Đầu những năm 2000, điểm BĐVHX phát triển khá mạnh với nguồn thu chính từ dịch vụ viễn thông và thực sự có ý nghĩa thiết thực đối với người dân, là mô hình được đánh giá cao.

Nằm cạnh trụ sở UBND, điểm BĐVHX Tiên Dược (Sóc Sơn) có vị trí đắc địa, bởi gần đường giao thông và trường học… nhưng hiếm hoi lắm mới có người đến gọi điện hay đọc báo. Buồng điện thoại bỏ không, vì không có người sử dụng, máy tính phủ một lớp bụi dày… Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên điểm BĐVHX bộc bạch: Thời điểm đông vui nhất trong ngày là khi người đưa thư, báo mang thư, báo đến và giờ tan học các cháu học sinh tranh thủ ghé vào đọc truyện; thời gian còn lại tôi phải làm việc lặt vặt bên UBND xã, bán thẻ điện thoại, bảo hiểm ô tô, xe máy để góp nhặt thêm vào thu nhập 650.000đ/tháng tiền lương do Bưu điện trung tâm trả. Khi được hỏi về điểm BĐVHX, một người dân ở xã Liên Bạt (Ứng Hòa) đã không ngần ngại trả lời: Tôi không quan tâm và chưa bao giờ đến, chỉ biết rằng đó là điểm gọi điện công cộng và phát thư báo (!)... Ông Nguyễn Văn Duân, Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức cho biết: BĐVHX Hợp Thanh vẫn mở cửa thường xuyên, nhưng hầu như không có người đến đọc báo hay sử dụng dịch vụ. Để sử dụng có hiệu quả, thì điểm BĐVHX này phải có hình thức kinh doanh mới, phù hợp với sự phát triển của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Kiểm soát viên Bưu điện Trung tâm 4, thuộc địa bàn huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn chia sẻ: Địa bàn phục vụ của Bưu điện Trung tâm 4 có 44 xã, nhưng chỉ 34 xã có điểm BĐVHX. Hiện tại, các BĐVHX vẫn được cấp một số đầu báo phục vụ người dân như: Báo Nhân Dân, Báo Bưu điện Việt Nam, Báo Bạn đường và Tạp chí Toàn cảnh Sự kiện - Dư luận, cùng một số ít các đầu sách phục vụ nghề nông, sách thiếu nhi… song rất ít người đến đọc. Doanh thu tháng 4-2011 của điểm BĐVHX Xuân Thu và Minh Phú là con số 0 tròn trĩnh, trong khi đó doanh thu cao nhất của Bưu điện Trung tâm 4 là điểm BĐVHX Xuân Giang chỉ đạt 149.578 đồng. Ngoài ra, một số BĐVHX phải tạm thời đóng cửa do giao dịch viên xin nghỉ việc, bởi mức lương quá thấp hay bị địa phương đòi trả đất (xã Phù Linh)… Doanh thu năm 2001 của các điểm BĐVHX trên địa bàn huyện Sóc Sơn là gần 290 triệu đồng, nhưng đến năm 2010, con số này của toàn Bưu điện Trung tâm 4 chỉ là 30 triệu đồng.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đình Lưỡng, Phó phòng Quản lý nghiệp vụ Bưu điện Hà Nội cho biết: Đây là thực trạng nói chung của cả nước, chứ không riêng gì thành phố Hà Nội. Nếu tính hiệu quả kinh doanh, thì nhiều năm nay tất cả các điểm BĐVHX đều thu không đủ chi, song vì lợi ích công nên ngành bưu chính vẫn phải duy trì. Hiện doanh thu bình quân 1 điểm BĐVHX ở mức 240.000đ/tháng, nhưng bưu điện trung tâm phải trả lương cho nhân viên điểm BĐVHX là 650.000 đồng/tháng, chưa kể các chi phí về điện, nước, khấu hao tài sản… Do đó, để điểm BĐVHX "sống" được, ngành Bưu chính phải bù lỗ hàng tỷ đồng mỗi năm. Cuối năm 2010, Bưu điện Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các bưu điện trung tâm tổng hợp số liệu để báo cáo thực trạng và đề xuất phương hướng "cải tổ" hoạt động hệ thống điểm BĐVHX, song đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể nào được đưa ra. Một vài phương án được nhắc đến, đó là: Mở rộng loại hình kinh doanh, ghép việc của nhân viên bưu điện với việc của người đưa phát báo ở địa phương xã… song cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu không được chính quyền các địa phương ủng hộ.

Điểm BĐVHX từ khi thành lập đã đặt vấn đề lợi ích xã hội lên trên lợi nhuận, nhưng với đà phát triển của xã hội như hiện nay, mô hình này đã không còn phù hợp và trở thành gánh nặng cho ngành bưu chính. Việc tìm hướng đi mới cho hoạt động của BĐVHX, thiết nghĩ, không chỉ là vấn đề riêng của ngành bưu chính, mà còn thuộc trách nhiệm của các ngành chức năng và của các địa phương.

Bài và ảnh: Thiện Mỹ