Cần nói ít, làm nhiều
Đời sống - Ngày đăng : 07:56, 06/07/2011
Tiếp tục… thí điểm
Xe buýt TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực cải thiện hình ảnh trong mắt hành khách.
Cuộc vận động nhằm phát triển giao thông công cộng (GTCC), từng bước thay thế phương tiện cá nhân để giảm kẹt xe, phát triển đô thị văn minh; bên cạnh đó là hạn chế sử dụng xe cá nhân để tiết kiệm nhiên liệu. Lộ trình được thực hiện làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 1-7 đến 1-12-2011, thực hiện thí điểm tập trung vào đối tượng là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh. Tiếp đến, từ ngày 2-12-2011 đến 2-12-2015 triển khai mở rộng vận động đến tất cả người dân TP.
Để thực hiện kế hoạch trên, Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP, các đơn vị liên quan thực hiện ngay công tác cải thiện chất lượng phục vụ của xe buýt. Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC cũng đang tổ chức và phát động phong trào "Tiếp viên xe buýt nhã nhặn và lịch sự", "Tài xế xe buýt cẩn trọng khi lái xe và không bỏ trạm"… Những biện pháp thiết thực như trẻ em cao từ 1,3m trở xuống, thương binh và người khuyết tật được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí; vé tập, vé tháng sẽ được sử dụng đến ngày 31-12-2011… cũng đang được thực hiện. Ban An toàn giao thông cũng đã in các cuốn sổ tay, trong đó phân tích các chi phí đi lại trên các phương tiện xe đạp, xe buýt, xe gắn máy và ô tô trên từng quãng đường để người dân so sánh lựa chọn. Theo đơn vị này, hiện chi phí đi lại đang chiếm khoảng 10% thu nhập cá nhân. Nếu mỗi người chọn di chuyển bằng xe buýt với giá vé chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng/lượt (dưới 31km giá vé 4.000 đồng, trên 31km giá vé 5.000 đồng) và rẻ hơn nếu mua vé tháng, vé năm thì sẽ rất có lợi về kinh tế.
Chọn thói quen hay lợi ích?
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi người dân đi xe buýt. Trước đó, năm 2008 TP cũng đã mở đợt vận động người dân đi xe buýt nhằm giảm tình trạng kẹt xe với các biện pháp vận động cũng từ khuyến khích đến bắt buộc: phát miễn phí tem vé tháng, vé tập cho 100.000 cán bộ, công nhân viên chức để tạo thói quen đi xe buýt; riêng cán bộ, công nhân, viên chức của Sở GTVT thì phải đi xe buýt 2 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, sau đợt vận động thì số lượng người đi xe buýt lại… thụt lùi! Lý do là đi xe buýt hiện nay không tiện lợi bằng xe gắn máy.
Theo các chuyên gia ngành vận tải, tác động vào lợi ích sẽ thay đổi được thói quen của người dân. Tuy nhiên, lợi ích này không phải chỉ là số tiền tiết kiệm do sử dụng xe buýt, mà hành khách cần một thái độ phục vụ tốt hơn.
Trên trang web thăm dò ý kiến của Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC về nguyên nhân hành khách chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ xe buýt thì thái độ phục vụ dẫn đầu những lời phàn nàn với 45%, tiếp theo là chạy nhanh vượt ẩu (37%), 10% cho là bị thiếu thông tin và 8% phàn nàn bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, theo các tài xế xe buýt, có những lý do khách quan khiến họ phải hành động "ngoài ý muốn": những chuyến xe đầy khách dồn ứ trên các tuyến đường xa, và áp lực chạy đúng giờ trong khi đường phố luôn kẹt xe khiến tài xế phải chạy ẩu để về trạm đúng giờ.
Để cải thiện hình ảnh xe buýt, các HTX vận tải cũng đang hết sức nỗ lực. Ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP cho biết, toàn bộ gần 1.000 phương tiện của các HTX thuộc liên hiệp đang được tu bổ lại. Các lái xe, tiếp viên sẽ được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức để phục vụ tốt hơn. Các công ty vận tải cũng cho biết sẽ khảo sát lại và điều chỉnh lộ trình tuyến, biểu đồ giờ để giảm áp lực "đúng giờ" cho tài xế.
PGS - TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, khuyến khích người dân đi xe buýt không chỉ là cải tạo xe buýt, mà phải bao gồm nhiều giải pháp từ quy hoạch xây dựng đến phát triển vận tải. Với những giải pháp đồng bộ và lộ trình thực hiện thích hợp, khi người dân thấy được lợi ích thì sẽ tự giác chuyển sang phương tiện công cộng thay thói quen sử dụng xe cá nhân hiện nay.