Làng nhân ái

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:36, 05/07/2011

(HNM) - Cuối cùng, hành trình đầy mạo hiểm cùng chiếc xe buýt và cảm giác thấp thỏm có thể bất trắc ập đến bất cứ lúc nào cũng kết thúc. Mở mắt, tôi đã thấy trước mặt tấm biển chỉ đường vào Bệnh viện phong Chí Linh.

Rời chiếc xe buýt ngột ngạt mùi thuốc lá, tôi "lạc" vào "bức tranh" của một vùng quê yên bình có con đường nhỏ trải nhựa tít tắp giữa sóng lúa rì rào, thơm ngát. Phía xa, một ngôi làng nhỏ nằm giữa vòng ôm của những ngọn đồi, như che chở, như chào đón.

Người bệnh ở Bệnh viện phong Chí Linh luôn được yêu thương, quan tâm săn sóc của người thân và cộng đồng.



Nơi đầy ắp tình người


Có hai nơi mà nhiều người ngại đặt chân tới đó là trại giam và trại phong, vậy mà thôn Trại Trống nhỏ bé (xã Hoàng Tiến, Chí Linh, Hải Dương) lại được "ưu ái" có cả hai: Trại giam Hoàng Tiến và Bệnh viện phong Chí Linh.

Đến Trại Trống, chứng kiến sự quan tâm của thân nhân người bệnh cũng như tình làng, nghĩa xóm giữa bệnh nhân phong và bà con địa phương đều sẽ thay đổi cách nghĩ về căn bệnh này. Khác với trước đây, người không may mang bệnh phong thường bị hắt hủi, xa lánh thậm chí bị ngược đãi đến mức phải bỏ đến nơi thâm sơn cùng cốc, trốn tránh sự ghẻ lạnh của xã hội và chịu đựng quằn quại, đớn đau dưới sự tàn khốc của chứng bệnh thì ngày nay họ đã được sống trong tình thương và sự chăm sóc của người thân và cộng đồng.

Ở đây, bức tường quanh khu điều trị chỉ có ý nghĩa về mặt ranh giới, còn trong ý thức, nó không ngăn cản bệnh nhân phong hòa nhập với cộng đồng. Người dân trong làng không hề kỳ thị hay xa lánh người bệnh cũng như thân nhân của người mắc bệnh phong. Có đám hỉ, họ đến trao tận tay nhau tấm thiệp mời. Nhà nào có đám tang, họ đến tận nơi để chia sẻ nỗi đau mất mát. Đi ăn cỗ, người lành, người bệnh vẫn ngồi chung mâm, đám trẻ con vẫn hồn nhiên cùng chơi, cùng học, cùng lớn lên. Người làng sẵn sàng mua những sản phẩm do bệnh nhân sản xuất ra, không một chút e ngại, nề hà. Tấm lòng của bà con đã giúp người bệnh không chỉ vượt qua những khó khăn mưu sinh thường ngày mà còn là sự mặc cảm trước những ruồng bỏ của xã hội, điều vẫn thường xảy ra trước đây.

Ở Bệnh viện phong Chí Linh, phần lớn bệnh nhân đã cao tuổi nên các cụ còn mắc nhiều bệnh của tuổi già. Nhiều người bị mù, bại liệt, không thể tự lo cho mình nên mọi sinh hoạt thường ngày, từ ăn uống, giặt giũ đến tắm rửa... đều được y tá, hộ lý chăm chút. Câu chuyện với người phụ nữ tình cờ gặp trên đường và cho tôi đi nhờ xe, người mà sau này tôi biết là có thâm niên cao nhất trong việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phong, đã phần nào giúp tôi hiểu thêm thế nào là "lương y như từ mẫu".

42 tuổi, nhưng hộ lý Nguyễn Thị Vân đã có hơn 20 năm sống và làm việc tại bệnh viện. Từ Nghệ An ra đây chăm sóc cha khi còn là thiếu nữ 20 tuổi, rồi tình nguyện gắn bó cuộc đời với chú Tụng, một bệnh nhân phong, đến giờ họ đã có cháu ngoại. Trong bữa cơm vốn chỉ có một đĩa rau muống luộc, bát cà muối, một bát nước rau nay vì có khách được "tăng gia" thêm một đĩa thịt quay và một đĩa châu chấu rang mà cô Vân khéo léo xoay cả về phía tôi, câu chuyện về đời sống bệnh nhân được kể bằng sự đồng cảm và hơn cả là một niềm yêu thương vô hạn của cô đã giúp tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của gần 20 y tá, hộ lý trong việc chăm sóc 145 bệnh nhân.

Cô Vân, chú Tụng là một trong năm hộ gia đình được lãnh đạo bệnh viện phân đất, dựng nhà. Họ đều là người nhà bệnh nhân nên cùng nhau vun vén, xây dựng mái ấm gia đình để phục vụ chính người thân và những người cùng cảnh ngộ.

Vẫn còn những góc khuất

Những người sống lâu năm ở bệnh viện phong này đã từng chứng kiến không ít đám tang thiếu những vành khăn trắng dù vẫn đông người đưa tiễn. Nhiều bệnh nhân ra đi mà không được gặp mặt con cháu. Nhớ gia đình, có người lâu lâu lại khăn gói về quê dăm bữa nửa tháng. Cụ Nguyễn Thị Vừng (An Lão, Hải Phòng), năm nay đã 82 tuổi nói về gia đình, giọng nghèn nghẹn. "Nhớ lắm! Cứ mỗi lúc thấy có người đến lại ngỡ là con cháu mình. Có năm các cháu lên đón về nhà ăn Tết, nhưng có năm không được về…". Đôi vai nhỏ bé, gầy guộc của bà cụ khẽ run lên, nước mắt dâng đầy đôi mắt mờ đục.

Thương cảm nhất là cảnh cô đơn của cụ Hồng. Chồng mất, con cái không có, từ mấy chục năm nay cụ chưa từng về quê. Căn phòng của người ốm lâu ngày bốc mùi ẩm mốc, thoáng thấy có người bước vào, bà cụ đã bị căn bệnh "gặm" hết ngón tay, chân lẩy bẩy trở dậy. Bằng giọng nói phều phào, tiếng được tiếng mất, cụ Hồng chỉ vào vết thương đỏ hỏn, lở loét do bị bỏng nước sôi và giải thích rằng, người bệnh phong không thể cảm nhận được sự đau đớn từ những vết thương ngoài da ấy. Vì thế, họ dễ bị thương tích trong sinh hoạt hằng ngày và các vết thương này rất khó lành, khiến họ bị tàn phế nặng hơn. Song, tuy mất đi cảm giác về sự đau đớn, bệnh nhân phong lại vô cùng nhạy cảm. Đã ở trại gần hai chục năm, cụ Báo tâm sự: "Mười người thì cũng có một hai người không chấp nhận mình. Người ta không nói thẳng ra, mình phải tự hiểu điều ấy!". Có lẽ cũng vì lý do ấy mà cụ Hội, sau khi điều trị ở trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) đã về sống với gia đình 12 năm, nhưng lại "trốn" lên trại. Con cháu đưa xe đón về, cụ bảo: "Chúng mày bắt u về, u lao xuống xe u chết cho chúng mày xem. Rồi không chết được mới khổ!". Cụ bảo rằng, thà đi ăn xin chứ nhất định không chịu về làng, bởi "dân làng người ta hây (hắt hủi - PV). Mình thì không sao, nhưng con cháu mình còn trẻ, đời nó còn dài. Mấy đứa trẻ đi học, bạn bè cứ bảo: Bà nó có bệnh đấy! Chúng nó bảo nhau ngồi nhích ra, tội nghiệp cháu mình...".

Tiếp thêm niềm tin và nghị lực

Bệnh nhân phong không những không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào mà còn được Nhà nước trợ cấp thuốc men, nhà ở, y, bác sĩ điều trị. Quần áo mỗi năm được phát một lần, chăn màn năm năm một lần. Họ cũng được trợ cấp tiền ăn nhưng với 360.000 đồng/tháng thì mỗi bữa chỉ có 5.000 đồng, cả tiền gạo. Vì thế, mâm cơm của cụ Thắm chỉ có một bát cơm, một bát canh và ba miếng đậu phụ, hôm nay thêm "ngoại lệ", như lời cụ nói, là mấy hạt lạc rang và một chén rượu. Bữa cơm tự nấu của cụ Báo cũng được đổi món bằng rau xào, ít rau thơm và bìa đậu phụ. Cuộc sống tuy còn thiếu thốn, ăn uống đạm bạc, nhưng cụ Lương bảo, nhờ tinh thần thanh tịnh nên cụ vẫn tăng 4 cân sau 5 tháng nhập trại. Cụ hóm hỉnh gọi nơi đây là khu điều trị trong lành, tươi mát như một khu du lịch sinh thái này là "bến đỗ cuối cùng của cuộc đời mình". Với suy nghĩ như vậy nên các bệnh nhân phong đã làm hồi sinh cho mảnh đất tưởng chừng như chỉ có sỏi đá và bệnh tật này. Họ trồng vải, trồng đào, nuôi gà… cải thiện cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần cho chính mình và những người cùng cảnh ngộ. Cơ thể mang bệnh nặng nhưng tâm hồn của những con người nơi đây không hề có bệnh. Nghị lực và sức mạnh đã giúp họ sống có ích trong những ngày còn lại của cuộc đời. Luôn động viên con cháu rằng: "Ai khinh thì kệ họ. Các con cứ làm việc tốt thì chẳng ai khinh được mình", cụ Báo vẫn tự nấu cơm, rửa bát dù chân bị liệt, phải di chuyển bằng xe lăn. Không những thế, có lúc cụ còn giúp các cô hộ lý chăm sóc những người bị liệt toàn thân.

Sức khỏe đều đã yếu, những bệnh nhân ở đây nương tựa vào nhau những khi trái gió trở trời, tự tạo niềm vui cho cuộc sống tuổi già. Các cụ bà giúp các cụ ông giặt giũ, khâu vá. Chiều chiều, họ tập trung ở sân cùng hóng mát, trò chuyện. Cụ Lương còn nói đùa, "ông ở đây mới 5 tháng mà ông bạn cùng phòng đã làm mối cho 6 bà rồi đấy!". Rồi cụ say sưa ôn lại những ký ức đẹp của anh bộ đội cụ Hồ. Bệnh tật không làm phai đi nét thanh lịch của chàng trai Hà Nội gốc. Gọi điện để hỏi xem "cháu đã về nhà an toàn chưa?", cụ không quên dặn: "Vải sắp chín rồi, ông để dành cho, cháu nhớ xuống nhé!".

Rời ngôi làng nhỏ, chia tay những con người đầy nghị lực và nồng ấm tình cảm ấy, tôi biết rằng tôi sẽ quay lại đây, không  phải như một khách lạ mà bằng sự thôi thúc của tình thân.

Lục Khánh Chi