Kinh doanh sân golf “đói” theo thị trường BĐS đi xuống
Bất động sản - Ngày đăng : 12:14, 04/07/2011
Tuy nhiên, điều này có thể mang đến một số rủi ro cho chủ đầu tư, đặc biệt trong thời kỳ đi xuống của thị trường bất động sản hiện nay, khi phân khúc nhà cao cấp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn nữa, nếu một khu phức hợp sân golf không bao gồm đầy đủ cơ sở vật chất và tiện nghi, sẽ rất khó để thu hút khách mua tiềm năng giàu có…
Sân golf Đồng Mô, Hà Nội.
Trong thời gian gân đây, Việt Nam đang dần được biết đến như một điểm chơi golf có tiếng trong khu vực nhờ vào chất lượng xây dựng, thiết kế và dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Đáng chú ý là, 10/12 sân golf tại miền Bắc có vị trí thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hà Nội và Vĩnh Phúc có ba sân, hai sân tại Hải Phòng và một sân tại mỗi tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Hai sân golf còn lại nằm tại các tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình đều là sân 54 lỗ (trong đó Royal Golf Club ở Ninh Bình hiện mới hoạt động 18 lỗ, dự kiến sẽ hoàn tất 54 lỗ vào năm 2014). 8 sân golf có vị trí gần đồi núi nhằm tận dụng tối đa phong cảnh và mặt nước, trong khi các sân còn lại đặt ven biển hoặc gần thành phố lớn, thuận tiện cho người chơi golf.
Các sân golf ở miền Bắc hiện còn khá mới so với khu vực phía Nam, có đến 9/12 sân đi vào hoạt động trong vòng 5 năm trở lại đây (2006-2011).
Golf là môn thể thao quý tộc tại Việt Nam, do mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Người chơi golf chủ yếu là các doanh nhân và chính trị gia giàu có và quyền lực, họ coi việc chơi golf là dịp để mở rộng quan hệ.
Theo Collier Hà Nội, quyền sử dụng đất đối với các dự án sân golf hiện chỉ được giới hạn trong vòng 50 năm. Điều này có thể hạn chế tính thanh khoản đầu tư, do đó cũng giảm nguồn vốn có sẵn. Hơn nữa, dù mức phí gia nhập thành viên và các phí dịch vụ rất cao, tuy nhiên các mức phí này không sinh đủ lợi nhuận cho chủ đầu tư. Thay vào đó, họ hướng tới thực hiện các dự án nhà ở cao cấp tại khu vực sân golf do một sân golf có thể được tích hợp trong các khu resort cùng với các hạng mục phụ trợ khác, hoặc có thể tồn tại riêng lẻ. Trong cả hai trường hợp đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng nhà nghỉ dưỡng hoặc biệt thự dành để bán, hoặc cung cấp lựa chọn hợp đồng mua kỳ nghỉ (time share). Tuy nhiên, với sự khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, việc kinh doanh của các sân golf cũng ảnh hưởng theo.
Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 26/11/2009, tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 89 sân golf, trong đó 27 sân hiện đang hoạt động và tiếp tục mở rộng. 27 sân golf phía Bắc sẽ chiếm 3.365 ha đất, trong khi miền Trung và khu vực phía Nam sẽ có 37 và 25 dự án, chiếm diện tích đất lần lượt là 3.782 ha và 2.837 ha. Diện tích trung bình của mỗi sân golf là 112.2 ha, và đa phần các sân golf gồm 18 và 36 lỗ. Hầu hết các dự án sân golf tương lai đều bao gồm biệt thự để bán kèm theo.
Tuy nhiên, gần đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đó có báo cáo một số vấn đề liên quan đến quy hoạch quốc gia về các dự án sân golf. Trong số đó có các dự án bị tước quyền đầu tư hoặc chuyển mục đích đầu tư, một số sân golf được các tỉnh kiến nghị bổ sung và các sân golf không được cấp giấy phép. Giải pháp cuối cùng từ Thủ tướng với sự phát triển của các sân golf được kỳ vọng sẽ đưa ra trong thời gian tới.