Thiếu lao động trong các khu công nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 04/07/2011
Thử nghiệm kỹ thuật trên sản phẩm tại Nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm Protex (KCN Nội Bài, Sóc Sơn). Ảnh: Phương An
Đến nay, các KCN, khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội đã thu hút đầu tư được 535 dự án, trong đó có 254 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD; 281 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 12.411 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, trong khi các DN trong nước đang phải đối mặt với việc khó tiếp cận tín dụng do lãi suất ngân hàng cao, thì với các DN FDI, vấn đề thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật đã khiến họ khó phục hồi và phát triển sản xuất. Đại diện Công ty Chee Wah thuộc tập đoàn sản xuất đồ chơi Hồng Công đang hoạt động tại KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cho biết, 6 tháng đầu năm nay sản xuất gặp nhiều khó khăn do giá "đầu vào" tăng, trong khi hợp đồng xuất khẩu sản phẩm đã được ký với đối tác, nên không thể không sản xuất để giao hàng. Với sự biến động giá trong thời gian này, DN không thể đàm phán với nhà nhập khẩu, mà chỉ có thể tự "cứu" mình bằng việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm. Công ty có khoảng 1.700 công nhân, chủ yếu là lao động địa phương đang làm việc với mức thu nhập bình quân 1,6-2 triệu đồng/tháng và đang cần tuyển thêm khoảng 200-300 lao động, nhưng do mức lương thấp, đời sống công nhân khó khăn, nên rất khó tuyển thêm lao động.
Được biết, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lớn, nhiều DN vẫn trong tình trạng thiếu lao động có chuyên môn, nhưng nhiều học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp vẫn vất vả khi tìm việc làm. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là chuyên môn của người lao động còn có khoảng cách xa so với yêu cầu của DN. Tại KCN Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), nhiều DN đều thông báo tuyển dụng lao động. Đại diện Công ty Canon (Nhật Bản) cho biết, một lao động phổ thông vừa học vừa làm tại công ty có mức lương khởi điểm cộng với các khoản phụ cấp là hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Với lao động có tay nghề, lương không dưới 4 triệu đồng/tháng, chưa kể làm thêm giờ. Ngoài ra, DN còn có nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, công ty cũng luôn trong tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật. Các chuyên gia cho rằng, tình cảnh chung mà công nhân tại các KCN trên địa bàn đang phải đối mặt là thu nhập thấp, chi phí thuê nhà, điện, nước… cao. Đó là nguyên nhân khiến độ "trung thành" của các lao động ngoại tỉnh rất thấp. Họ có thể nghỉ việc về quê bất cứ lúc nào, hoặc sẵn sàng bỏ DN cũ để sang làm cho một DN mới chỉ với thu nhập cao hơn vài chục nghìn đồng. Các DN FDI hầu như chỉ mới khai thác nguồn lao động chi phí thấp, chứ chưa thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nhân lực để phát triển công nghiệp nội địa. Những sản phẩm công nghệ cao cũng chỉ là lắp ráp, các công đoạn cần kỹ thuật cao chưa phải do lao động trong nước đảm nhận, nên việc học hỏi kinh nghiệm qua thực tế sản xuất ở các DN FDI của lao động trong nước chưa nhiều. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự hợp tác, chia sẻ giữa DN với người lao động. Với DN, ngay cả thời kỳ khó khăn cũng nên giữ lao động đã quen việc hơn là sa thải để qua giai đoạn khó khăn không phải tuyển lao động mới; DN cần thay đổi chính sách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt hơn sẽ thu hút được lao động. Việc cấp phép cho các DN FDI thời gian qua thiếu sự lựa chọn, nên nhiều DN chỉ muốn tận dụng nguồn lao động rẻ của nước ta. Vì vậy, trong xu hướng chọn nhà đầu tư tới đây, ngành chức năng cần ưu tiên những ngành có công nghệ cao và đào tạo lao động để đáp ứng được nhu cầu đó.