Afghanistan: Trong không ấm, ngoài chưa êm

Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 04/07/2011

(HNM) - Hơn một tuần sau khi người đứng đầu Nhà Trắng loan báo Washington sẽ rút 33.000 binh lính ra khỏi chiến trường Afghanistan trước tháng 9-2012, quốc gia Nam Á này đã chứng kiến những vụ đánh bom, tấn công liều chết kinh hoàng.

Chiều 30-6, tại tỉnh Nimroz, Tây nam nước này đã xảy ra một vụ nổ mìn làm 20 người thiệt mạng và một số người bị thương. Trước đó vài giờ, một vụ nổ bom trên đường cũng xảy ra ở tỉnh Helmand, khu vực miền Nam, làm 6 người thiệt mạng. Ngày 25-6, một quả bom đã phát nổ tại một bệnh viện ở tỉnh Logar, cách thủ đô Kabul 75km về phía Nam, làm ít nhất 20 người thiệt mạng và 25 người bị thương. Tâm điểm của các cuộc khủng bố là vụ Taliban tấn công khách sạn Intercontinental sang trọng ở thủ đô Kabul vào đêm 28-6, làm hơn 10 người thiệt mạng. Tấn công vào tổ hợp này, nơi được bố phòng cẩn mật bởi có nhiều người nước ngoài và các quan chức Afghanistan thường xuyên lui tới, giới quan sát cho rằng, Taliban đã phát đi thông điệp cứng rắn nhằm vào bộ máy hiện hành của Kabul.

Khách sạn Intercontinental ở trung tâm thủ đô Kabul bị Taliban tấn công ngày 28-6.

Một Afghanistan bất ổn là dễ nhận thấy. Chính vị Tổng thống thân phương Tây, Hamid Karzai, ngày 25-6 tại Hội nghị quốc tế về chống khủng bố tổ chức ở Iran đã phải thừa nhận, chủ nghĩa khủng bố đe dọa hơn bao giờ hết và đang mở rộng ở Afghanistan cùng các nước trong khu vực. Sự lộng hành của Taliban là câu trả lời về kết quả mà Mỹ cùng lực lượng liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu đã để lại cho quốc gia Nam Á này. Dư luận cho rằng, cho dù Washington và các nước phương Tây có đổ nhiều tỷ USD vào đây nhưng nếu an ninh chưa bền vững thì nguồn lực ấy chỉ là vô nghĩa.

Tàn quân Taliban mạnh lên là điều dễ nhận thấy, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của nhiều nước để có thể ngăn chặn lực lượng này. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo kế hoạch rút quân, các quốc gia đồng minh khác cũng lên tiếng về kế hoạch của mình. Mới đây, ngày 29-6, Tham mưu trưởng Lục quân Cộng hòa Séc Vlastimil Picek cho biết, nước này có kế hoạch rút khoảng 25% trong số 720 binh sĩ đang được triển khai tại Afghanistan vào nửa cuối năm 2012. Trước đó, Italia tuyên bố rút toàn bộ 3.400 binh sĩ vào trước thời điểm cuối năm 2014; Ba Lan sẽ rút toàn bộ quân từ nay tới năm 2012; Pháp sẽ rút hàng trăm binh sĩ trong số 4.000 quân đóng tại Afghanistan cho đến cuối năm nay. Anh và Đức, hai nước có số quân đồn trú tại Afghanistan lớn thứ hai sau Mỹ, cũng đã thông báo kế hoạch rút quân…

Trong khi đó, nội bộ quốc gia này cũng nảy sinh nhiều bất đồng và mâu thuẫn. Mới đây, ngày 25-6, Quốc hội Afghanistan đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị bất tín nhiệm Chánh án Tòa án Tối cao Abdul Salam Azimi và 5 thành viên cấp cao của tòa án. Động thái này diễn ra hai ngày sau khi một tòa án đặc biệt, do Tổng thống Hamid Karzai thành lập để giải quyết các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 9-2010, ra phán quyết rằng 62 trong tổng số 249 nghị sĩ Hạ viện nước này cần phải được thay thế vì liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ cho rằng tòa án đặc biệt này vi hiến và muốn Tòa án Tối cao giải tán tòa án đặc biệt. Người ta lo ngại, sự việc có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tại Afghanistan trong bối cảnh bế tắc chính trị tại quốc gia này ngày càng trầm trọng.

Trong không ấm, ngoài cũng chưa êm, đặc biệt trước thềm thời điểm Mỹ chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho các lực lượng Afghanistan tại một số khu vực từ tháng 7 này, đã khiến cho bức tranh của quốc gia Nam Á này thêm ảm đạm và rối như tơ vò.

Trung Hiếu