Làng rèn Đa Sỹ:Tiếng thơm có còn?
Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 03/07/2011
Danh thơm một thuở
Sản xuất dao, kéo tại làng rèn Đa Sỹ.
Tương truyền, nghề rèn Ða Sỹ có từ đời Hùng Vương thứ 18, là nơi cung cấp vũ khí cho các Lạc hầu, Lạc tướng giữ yên bờ cõi và sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất, lao động. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nghề rèn ở Ða Sỹ vẫn tồn tại và phát triển. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, do thiếu nguồn tiêu thụ và nguyên liệu, dân làng giữ nghề dưới hình thức sản xuất cá thể quy mô nhỏ hộ gia đình. Ngày nay, nghề rèn đã đỡ vất vả hơn, năng suất cao gấp đôi do các hộ làm nghề đã đầu tư thêm máy cắt sắt, máy cắt hơi, hàn điện, búa máy. Người thợ chỉ làm thủ công các công đoạn như tạo phôi, tạo hình, tạo dáng.
Còn giữ được lâu?
Ở Ða Sỹ, rất ít nhà có khuôn viên thật ngăn nắp, vì xưởng sản xuất đặt ngay trong khu vực sinh hoạt, chỉ cách phòng ở chừng vài mét, ngồi trong nhà nói chuyện phải nói thật to, mà từng viên gạch dưới chân cứ rung lên theo nhịp đập. Tường quanh nhà đều nứt toác vì chấn động của búa máy. Ðể giải quyết những vấn đề trên, chính quyền địa phương đã đề xuất việc xây dựng, quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề. Dự án được lập từ năm 2003, đã được phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở khâu giải phóng mặt bằng, chưa biết khi nào mới khởi công.
Trước đây cả xã có hơn 900 hộ làm nghề, nay chỉ còn hơn 700. Số thanh niên giỏi nghề cũng ít dần theo đà đô thị hóa. Nghề rèn khá vất vả, đặc biệt vào mùa hè oi bức, ngồi bên bếp than rực lửa với tiếng đe, tiếng búa chan chát, không phải ai cũng muốn gắn bó. Không gian sinh hoạt chật chội, đất "quê" đã mang nhiều nét của nhà phố. Mảnh đất trước rộng vài trăm mét vuông nhưng nhà đông con, "chia năm sẻ bảy" nên cũng chỉ đủ để sinh hoạt chứ làm nghề sao được - chị Hoàng Thị Thủy, một thanh niên từng gắn bó với nghề rèn nay chuyển sang buôn bán dịch vụ ở cổng làng nói.
Ngoài một số gia đình nghệ nhân sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, phần lớn các hộ còn lại trong làng vẫn chỉ làm sản phẩm bình dân, mẫu mã, hình thức chưa hấp dẫn, khó cạnh tranh với hàng sản xuất tại nước ngoài nên chưa thâm nhập được vào phân khúc thị trường hàng gia dụng cao cấp, ít bày bán trong hệ thống các cửa hàng lớn, trung tâm thương mại uy tín. Anh Hoàng Văn Dũng, chủ một lò rèn lớn cho biết, hiện nay, ngoài những sản phẩm theo đơn đặt hàng còn có nơi tiêu thụ, những sản phẩm bán lẻ không tiêu thụ được nhiều, việc thu hồi vốn rất khó khăn.
Một vị lãnh đạo xã buồn bã thừa nhận, giờ tiếng thơm của làng cũng đã mai một, bởi nhiều hộ chạy theo số lượng, lợi nhuận, sản xuất hàng kém chất lượng. Theo chỉ dẫn của một cán bộ ủy ban xã, chúng tôi có mặt tại nhà ông Lê Thanh Yến, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, đồng thời cũng là một trong những gia đình làm nghề có tiếng trong làng. Nơi ở của ông là gian nhà đơn sơ, rộng chừng 50m2 bài trí đơn giản. Ông bảo, nhà ông có 4 cậu con trai, đều theo hoặc biết nghề rèn của cha ông, nhưng không biết chúng nó gắn bó được với nghề bao lâu nữa, vì nghề này không vươn ra làm ăn lớn thì chỉ đủ sống thôi.
Theo ông Yến, đất đai ở Đa Sỹ một vài năm trở lại đây trở nên đắt đỏ, nhưng người dân không vì thế mà giàu. Giờ phần lớn các hộ làm nghề rèn đều đã mất 50% đất nông nghiệp cho các dự án giao thông, đô thị. Tiền đền bù lĩnh theo dự án, mỗi lần vài chục triệu đồng không đủ lo cho con cái ăn học. Thành ra đất có đắt, đời sống của phần lớn các hộ vẫn phải trông chờ vào nghề truyền thống. Tuy nhiên, do giá sắt thép tăng, thị trường ảm đạm, nhiều người dân nơi đây không thể mưu sinh bằng nghề truyền thống, hầu hết những nhà nào còn giữ được nghề đều có thêm một nghề phụ khác. Ông Yến nhớ lại: "Hồi xưa ở đây ngày nào cũng rộn lên tiếng gò, tiếng búa nghe rất vui tai, bây giờ chỉ còn nghe văng vẳng đâu đây mà thôi".