Nhà thơ Bằng Việt: Chống lại sự nể nang, bình quân trong xét giải”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:43, 03/07/2011

(HNM) - Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội sẽ tổ chức Đại hội đại biểu khóa XI trong hai ngày 6 và 7-7 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đã có cuộc trao đổi với Hànộimới về những kết quả đạt được cũng như công việc bộn bề của VHNT Thủ đô thời gian tới.


- Xin ông nhấn mạnh một số nét nổi bật nhất của hoạt động sáng tác trong 5 năm vừa qua của VHNT Thủ đô?


Nhà thơ Bằng Việt.


- 5 năm qua là khoảng thời gian tiếp nối những năm đầu của thế kỷ XXI với sự háo hức, chờ mong rất nhiều của văn nghệ sĩ Thủ đô. Qua 20 năm đổi mới, ta nhìn thấy rõ lực lượng trẻ đã trưởng thành mạnh mẽ, hình thành một tiếng nói riêng đầy nhiệt huyết. Tôi tin rằng, họ đủ sức kế tục sự nghiệp của những người đi trước, tạo nên không khí sôi động của VHNT Thủ đô thời gian tới. 5 năm qua cả nước nói chung, văn nghệ sĩ Hà Nội nói riêng cũng tập trung khai thác đề tài về truyền thống văn hiến của mảnh đất nghìn năm tuổi. Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng đã hết sức thu hút, khích lệ, hỗ trợ anh em văn nghệ sĩ lao động, sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm có chất lượng về đề tài này.

Tuy nhiên, số lượng tác phẩm phần "ôn cố" nặng hơn phần "tri tân". Cũng có một số tác phẩm nỗ lực đưa vào những vấn đề ngổn ngang của các quan hệ xã hội và tâm trạng của lớp trẻ hiện nay ở Thủ đô nhưng chưa đủ mạnh dạn để khai thác tận cùng vấn đề và cũng chưa đưa ra được cách lý giải thực sự thuyết phục.

Chất lượng sáng tác của văn nghệ sĩ Thủ đô cũng được thể hiện qua số lượng khá dồi dào các tác phẩm đoạt giải của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc (UBTQ) Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, dù chưa hẳn cứ tác phẩm nào đoạt giải cũng đã là tác phẩm để đời.

- Ông nhận định gì về ý kiến cho rằng các giải đang có xu thế lỏng lẻo, mang "tính mặt trận", giảm tính mới mẻ và cách tân trong tiêu chí ?


- Giải thưởng VHNT hằng năm của Hội được tái lập từ năm 2008, được xét trên cơ sở tuyển chọn từ các hội đồng nghệ thuật chuyên ngành. Từ khi tái lập giải đến nay, đã có trên 60 tác phẩm được trao giải và hầu như không có vụ thắc mắc, kiện cáo, gây tranh cãi nào. Cũng có đôi ba tác phẩm được trao giải mà có ý kiến chưa hẳn nhất trí, nhưng sau khi được giải thích thì đều đi đến đồng thuận. Ví như Hội Nhà văn Hà Nội trao giải "Cống hiến trọn đời" cho nhà thơ đã quá cố Trần Dần, cũng là trên cơ sở nhìn nhận toàn bộ quá trình sáng tác của tác giả có nhiều thăng trầm đó. Tôi nghĩ rằng đánh giá tác phẩm của một đời nghệ sĩ không nên chỉ dừng lại ở những chuẩn mực xơ cứng, ước lệ, mà cũng phải dám đi cùng với những phiêu lưu bất ngờ của một người đang nỗ lực đi tìm, đang say sưa khám phá, để đánh giá cho thật công bằng.

Cũng không ai dám bảo đảm tất cả các tác phẩm đoạt giải sẽ còn ở lại trong lòng công chúng, nhưng quan trọng là các ban giám khảo thực sự công tâm vì sự nghiệp chung, không hẹp hòi, lảng tránh trách nhiệm. Còn việc phải tránh sự lỏng lẻo, "tính mặt trận" dàn đều trong việc xét giải lại là một vấn đề khác; nó cũng đồng thời với việc phải chống sự nể nang, lười biếng và tính bình quân chủ nghĩa để "vui vẻ cả làng". Chúng tôi cũng đang đặt vấn đề khắc phục đến cùng tâm lý này trong các cuộc xét giải thưởng, thậm chí còn đề ra thành nhiệm vụ trong công tác cải tiến xét giải các năm tới.

Mặt khác, phải ghi nhận là hội cũng đã kịp thời đánh giá xứng đáng công lao và sự nỗ lực của nhiều văn nghệ sĩ. Trường hợp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một ví dụ, sau khi đoạt giải thưởng của hội với tiểu thuyết "Hồ Quý Ly", được đánh giá cao với "Mẫu Thượng ngàn", Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục trình làng cuốn tiểu thuyết đồ sộ khác là "Đội gạo lên chùa" đang trở thành một hiện tượng trong văn học. Tác giả Hoàng Quốc Hải với 2 bộ tiểu thuyết trường thiên về hai đời Lý - Trần cũng là một hiện tượng thời gian qua.

- Thưa ông, trong kỳ Đại hội tới, vấn đề chuyển đổi mô hình từ Hội Liên hiệp VHNT sang Liên hiệp các hội VHNT Hà Nội sẽ được đề cập?

- Hiện nay, Tiểu ban xây dựng đề án chuyển đổi mô hình Hội đã sẵn sàng trình đề án lên thành phố để xét duyệt. Sau khi chuyển mô hình, Liên hiệp hội là cơ quan đầu mối sẽ có điều kiện bớt đi trách nhiệm quản lý hành chính, để tập trung nghiên cứu đề xuất nhiều chế độ, chính sách đối với trí thức, văn nghệ sĩ. Còn các hội chuyên ngành sẽ có đầy đủ tư cách pháp nhân độc lập để lo mọi việc liên quan đến tổ chức sáng tác, đi thực tế, kết nạp hội viên… Vấn đề lớn nhất theo tôi hiện nay là chuẩn bị kỹ các điều kiện thực tế để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi. Đây là việc mới mẻ với Hà Nội. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh thì mô hình này đã áp dụng ở các hội VHNT thành phố ngay từ năm 1975.

- Giữ cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội hai nhiệm kỳ vừa qua, có điều gì khiến ông băn khoăn vì chưa thực hiện được?

- Có nhiều điều đáng tiếc. Vấn đề lớn nhất là chưa phát huy được hết tiềm năng chất xám của văn nghệ sĩ Thủ đô. Tiếng nói của anh chị em làm VHNT đôi khi còn dễ dãi và xuôi chiều, tránh né, bỏ qua nhiều cơ hội tham gia phản biện các vấn đề của đời sống. Quan điểm chính thống của Hội về các tác phẩm thế nào là đạt tầm xuất sắc, "đỉnh cao", chưa bao giờ dành thì giờ thảo luận đến nơi đến chốn. Hội viên chưa được tạo điều kiện đầu tư chiều sâu, mới dừng ở việc hỗ trợ, chia đều nhỏ giọt kiểu bình quân chủ nghĩa. Thu nhập do nhuận bút lại không bảo đảm, hầu như không có một văn nghệ sĩ nào có thể sống được bằng nhuận bút, mà đều sống bằng nghề khác! Toàn bộ những vấn đề này, đành để đến thời gian tới sẽ dồn tâm sức cùng nhau tìm cách giải quyết dần, chứ khó có thể dứt điểm cùng một lúc.

- Xin cảm ơn ông!

Thi Thi