Mê mải với ca trù
Xã hội - Ngày đăng : 07:28, 02/07/2011
Nghệ sĩ Bạch Vân (trái) trong một buổi biểu diễn. |
- Trong điều kiện nghệ nhân ít mà ca trù lại kén người nghe, làm thế nào mà chị có thể duy trì hoạt động đều đặn của CLB từ năm 1991 đến nay?
- Tôi đến với ca trù như một thứ duyên nợ, một lần tình cờ được nghe giọng hát của bà Quách Thị Hồ trên Đài Tiếng nói Việt Nam thôi, giọng ca nẩy, vang, rền ấy đã đưa tôi đến với ca trù. Khi đã say rồi, tôi gác nghề thanh nhạc mình đang học sang một bên rồi tìm đến cụ Quách Thị Hồ, cụ Chu Văn Du, cụ Phó Thị Kim Đức… xin theo học. Kể ra thì dài lắm, tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể vượt qua được gian khó. Chỉ biết rằng, ban đầu tôi cứ một mình một xe đạp, sau này thì xe máy, đi khắp các tỉnh, thành phố có ca trù để vận động nghệ nhân tham gia. Tôi về xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội) thuyết phục cụ Nhân, cụ Quyết… ra đền Voi Phục - Thủ Lệ biểu diễn mỗi tháng 1-2 buổi. Về xã An Khánh, huyện Hoài Đức đưa đón nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc tham gia sinh hoạt CLB trong 14 năm liền; rồi về Tứ Kỳ (Hải Dương) đón được danh cầm đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ…
Để có kinh phí duy trì hoạt động, tôi làm đủ việc. Từ biểu diễn quan họ, ca trù, dân ca các vùng miền đến dạy nhạc lý phổ thông... Hiện các ca nương, kép đàn biểu diễn trên sân khấu có mức thù lao từ 300-500 nghìn đồng/buổi, trong khi tất cả các buổi biểu diễn đều miễn phí, sự hỗ trợ của Nhà nước chưa đáng là bao. Dụng cụ, trang phục biểu diễn đều do tôi trang bị, tự chở đến điểm biểu diễn rồi lại chở về. Cứ thế rồi cũng qua, CLB vẫn hoạt động tốt từ ngày thành lập đến giờ.
- Qua chừng đó năm, chắc hẳn chị đã có vốn liếng ca trù kha khá?
- Đúng vậy, đến nay tôi có thể hát được gần 40 làn điệu, chủ yếu là ca quán và cửa đình, tôi biết cách tổ chức biểu diễn khiến công chúng say. Cái được lớn nhất là tôi đã góp phần giúp môn nghệ thuật này có chỗ đứng trong lòng công chúng. Rất nhiều CLB ca trù ở các tỉnh, thành phố khác đã được thành lập, ít nhiều có sự tiếp nhận kinh nghiệm hoạt động của mô hình CLB Ca trù Hà Nội. Có sân chơi thường xuyên, các nghệ nhân gạo cội tận tâm, tận lực dạy nghề cho lớp trẻ.
- Trong tương lai, chị sẽ tiếp tục sống với môn nghệ thuật này như thế nào?
- Tôi đang cố tìm nguồn kinh phí để duy trì, đầu tư nhiều hơn cho hai điểm biểu diễn ở Hà Nội. Điểm ở Bích Câu Đạo quán, số 14 Cát Linh diễn vào tối thứ bảy hằng tuần và sáng chủ nhật tuần giữa và cuối tháng; ở đình Kim Ngân là vào tối chủ nhật hằng tuần. Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ nâng số buổi biểu diễn lên 2-3 buổi/tuần ở mỗi điểm.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện! Chúc cho mong muốn của chị sớm thành hiện thực!