Kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6%
Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 02/07/2011
Tổng sản lượng lúa cả nước trong 6 tháng đầu năm đã tăng 36 vạn tấn so với cùng kỳ. Ảnh: Chí Lâm |
Phát biểu trong phiên họp trực tuyến với các địa phương ngày 1-7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng lúa cả nước đạt 19,5 triệu tấn, tăng 36 vạn tấn so với cùng kỳ. 6 tháng cuối năm, với khoảng 100.000 ha tăng thêm, sản lượng còn có thể tăng thêm 50 vạn tấn. Xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm nay cũng đã đạt 12 tỷ USD, đạt xuất siêu 4,3 tỷ USD, góp phần quan trọng giảm nhập siêu cả nước. Tuy nhiên, nguồn cung thực phẩm từ đầu năm đã bị giảm do tác động của thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng. Đây cũng là nội dung được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương tìm cách tháo gỡ: "Sáu tháng đầu năm, trong cơ cấu giá, riêng thực phẩm tăng mạnh nhất, đứng đầu bảng với 22%. Chúng ta phải tìm giải pháp tăng nguồn cung thực phẩm, nhưng phải bằng sản xuất chứ không phải nhập khẩu".
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 30%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều đáng mừng là nhiệm vụ giảm nhập siêu đã được làm tốt, trong 6 tháng qua, tốc độ tăng xuất khẩu bao giờ cũng cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ đã tăng chậm lại so với các mặt hàng khác, trong đó riêng nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ tăng 0,7%. Nhập siêu cũng đã giảm dần, trong đó nhập siêu 6 tháng đầu năm nay tăng thấp nhất với 15,7% so với cùng kỳ. Một thông tin đáng mừng khác đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định là nếu các biện pháp tiết kiệm điện được thực hiện nghiêm ngặt, phân phối khoa học, 6 tháng cuối năm sẽ không xảy ra thiếu điện. Bộ trưởng đề nghị, ngành ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang rất khó khăn về vốn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh lạc quan cho biết, thu ngân sách cả nước đã đạt 55,1% so với dự toán, cá biệt có địa phương đạt 60-70% so với dự toán. Bội chi ngân sách đã được kiểm soát ở mức 4,9% và có khả năng còn tiếp tục thấp hơn theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, thu ngân sách các tháng 4, 5 và 6 liên tục giảm so với tháng liền trước từ 20% đến 30%. Lạm phát đã có xu hướng giảm, nhưng tình trạng lạm phát cao có thể kéo dài sang đến năm 2012 trong bối cảnh bất lợi của tình hình giá cả trong nước và thế giới. Đề cập đến tình hình tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đề nghị, ngành ngân hàng và các địa phương kiểm tra chặt chẽ những ngân hàng có dư nợ tín dụng BĐS lên tới 49-50%. Đồng thời Bộ trưởng đề nghị ngành ngân hàng cân đối một cách linh hoạt trong dư nợ tín dụng cho thị trường BĐS theo hướng tập trung cho những dự án nhà ở phục vụ nhu cầu thực, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội, góp phần không để cho thị trường quá "nóng", nhưng cũng không nên để "đóng băng".
Trong cuộc họp báo chiều qua (1-7) do Văn phòng Chính phủ tổ chức về kết quả của phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục xác định kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ hàng đầu trong 6 tháng cuối năm (xem chi tiết về quan điểm về vấn đề này trong bài trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cùng số báo này). Đại diện Bộ Tài chính cũng tái khẳng định quan điểm thắt chặt đầu tư công khi trả lời về đề nghị cấp bổ sung 6.800 tỷ đồng cho các dự án giao thông. Theo đó, Bộ GTVT phải chủ động điều chuyển các khoản vốn giữa các dự án, ưu tiên cho các dự án cấp bách theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Trả lời về câu hỏi nguy cơ "bong bóng" của thị trường BĐS, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, Bộ đã có phân tích và báo cáo cụ thể với Thủ tướng về thị trường BĐS. Trên cơ sở thực tế, Bộ Xây dựng khẳng định không có khả năng "nổ bong bóng" hay đổ vỡ thị trường BĐS. Các yếu tố an toàn vẫn được kiểm soát… Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, đã dự thảo phương án tăng lương tối thiểu theo vùng. Theo đó sẽ có 4 vùng lương tối thiểu theo 4 mức lần lượt là 1,9 triệu đồng, 1,7 triệu đồng, 1,5 triệu đồng và 1,1 triệu đồng. Dự định, Chính phủ sẽ phê duyệt phương án này trong tháng 7 để triển khai sớm hơn dự kiến 1 quý (có thể là ngày 1-10-2011). Liên quan đến việc 11 địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng "đáp án ngoài luồng" chấm điểm tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc và có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Bộ trưởng cũng khẳng định: "Tôi với tư cách Bộ trưởng nhận trách nhiệm vì việc xảy ra ở 11 tỉnh mà Bộ không biết, phải qua báo chí".
Hà Nội có thể tăng trưởng 10%
UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát đầu tư vào thị trường BĐS hiệu quả hơn, bảo đảm bám sát nhu cầu thực của xã hội. Trước nguy cơ "bong bóng" của thị trường này, các bộ, ngành cũng cần có biện pháp linh hoạt nhằm tháo gỡ, bảo đảm an toàn cho nền kinh tế. Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn để Kho bạc Nhà nước tiếp tục giải ngân cho các công trình, dự án không thuộc danh mục ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ mà địa phương đã quyết định. |