Bài 1: Đất hoang giữa lòng thành phố
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:24, 01/07/2011
Loạt bài "Dự án treo: Lãng phí "tấc đất tấc vàng" của Hànộimới sẽ góp phần làm rõ nguyên nhân dẫn đến các dự án bị treo; trách nhiệm của chủ đầu tư, các cơ quan chức năng, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực này.
Dự án tòa nhà Trung tâm Văn hóa, thương mại, dịch vụ văn phòng và chung cư cao cấp tại quận Hà Đông đã được bàn giao mặt bằng từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng. Ảnh: Thái Hiền
Biết tôi đang tìm hiểu về những dự án treo trên địa bàn Hà Nội, một chuyên gia về đất đai chỉ dẫn: "Cần gì đi đâu! Em cứ ra đường Lê Văn Lương là thấy rõ". Đoạn đường Lê Văn Lương từ cuối đường Láng Hạ đến ngã tư giao cắt với đường Khuất Duy Tiến không dài nhưng có nhiều mảnh đất bị bỏ hoang đã lâu. Người dân trong làng Nhân Chính (nay đã lên phường) rất bức xúc vì những ruộng lúa, ruộng màu của họ bị thu hồi rồi giờ lại để hoang, cỏ dại xanh um. Họ bảo, mấy ông doanh nghiệp khư khư giữ đất rồi để không, thật là xót ruột!
Đất hoang... "cao niên"
Có một dự án "Nhà ở và văn phòng cho thuê 3.7" của một đơn vị nằm trên một khu đất đẹp ngay ngã tư đường Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy. Theo thiết kế, dự án có hai đơn nguyên: tòa nhà A cao từ 19 đến 21 tầng và tòa nhà B cao 15 tầng. Dự án được khởi công từ tháng 10 năm 2006 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011.
Tuy nhiên, sau từng ấy năm, đến tháng 6-2011 chỉ có duy nhất tòa nhà B của dự án đã được đưa vào sử dụng, còn toàn bộ diện tích đất còn lại vẫn để không. Phần đất này được ngăn bằng rào cẩn thận và các loại cây dại như bìm bìm đã leo chằng chịt. Những chồng bê-tông chuyển màu xám ngoét với những đầu thanh sắt lộ ra han gỉ. Người dân xung quanh khu đất này bảo rằng, chủ đầu tư cứ để đất không từ gần 10 năm nay từ khi đường Lê Văn Lương chưa được gắn biển. Chỉ vào cây đu đủ cao khoảng 6 mét và cây nhãn đang ra quả, ông Hải người sống gần đó nói: "Đấy, cậu xem đất để không lâu đến mức như thế thì còn gì để nói!".
Điều trớ trêu là trụ sở của Thanh tra Xây dựng quận Thanh Xuân lại nằm ngay sau mảnh đất vàng có hai mặt tiền để không này. Đối diện với dự án trên, qua đường Hoàng Đạo Thúy cũng có mảnh đất hai mặt tiền để hoang mấy năm nay. Người dân xung quanh kể, có lần hai nhóm đầu gấu đến đâm chém nhau để tranh giành mảnh đất này. Tìm mọi cách dò hỏi về chủ của mảnh đất, câu trả lời nhận được chỉ là cái lắc đầu.
Tiếp tục dịch xuống về phía đường Láng Hạ, qua dự án Star City đang thi công, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Hà Nội đóng trên lô đất NO 4.5 chỉ với một trụ sở tuềnh toàng. Phần lớn diện tích đất còn lại cũng để không. Phía ngoài tường rào là tấm bảng dự án đã bạc phếch vì phơi mưa, nắng. Những mảnh đất để không, cho dù bởi nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan đều gây lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội.
Những dự án cầm chừng
Chỉ cần dịch xuống một chút nữa, người ta lại bắt gặp một mảnh đất để không tương tự. Đó là đất dành cho tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, ô đất NO 4.6 - vốn được UBND TP Hà Nội giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng từ năm 2004, sau được chuyển quyền chủ đầu tư sang cho đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Xuất nhập khẩu Sông Hồng. Ban đầu, theo quy hoạch chi tiết 1/500 tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương), tổ hợp này chỉ có chiều cao cho phép là 7,5 tầng. Sau nhiều năm dự án nằm đắp chiếu chờ quy hoạch, đến năm 2008, quy hoạch chi tiết 1/2000 tuyến đường Lê Văn Lương lại cho phép dự án trên ô đất NO 4.6 được xây đến 16 tầng. "Thông" quy hoạch rồi nhưng từ năm 2008 đến nay, dự án vẫn không thể triển khai được vì những hộ dân ở ngách 72 ngõ 125 phố Quan Nhân đã gửi đơn khiếu kiện về tính khả thi và độ an toàn của dự án này. Ngành chức năng đã vào cuộc và đưa ra hướng điều chỉnh nhưng vẫn không thể gỡ bí được vì dù có điều chỉnh như thế nào đi chăng nữa thì dự án vẫn không đủ điều kiện theo đúng quy định trong Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam. Hẳn là dự án sẽ được khởi công như nhiều dự án khác nếu những bức xúc, khiếu kiện của người dân ở ngách 72 ngõ 125 phố Quan Nhân không có lý.
Đi xuống phía ngã tư Hoàng Minh Giám, cũng nằm ngay mặt đường là dự án khu nhà ở - dịch vụ - thương mại C3, Trung Hòa, Nhân Chính, được khởi công từ tháng 4 năm 2011 nhưng đến nay không thấy bất kỳ một thiết bị thi công nào tập kết trên khu đất. Ở đây, cỏ hoang cũng đã mọc quá đầu gối. Đây là mảnh đất để không "ít tuổi" nhất trên đường Lê Văn Lương. Thời gian dự án hoàn thành được dự kiến vào quý IV-2013. Hy vọng dự án này sẽ hoàn thành đúng thời hạn bất chấp sự trầm lắng của thị trường bất động sản ở Hà Nội cũng như trên toàn quốc. Bởi nếu không thì số phận của mảnh đất này sẽ giống những mảnh đất đã nêu trên.
***
Trên đây mới chỉ có 5 mảnh đất trên đường Lê Văn Lương được chỉ ra. Con số này còn nhỏ hơn nhiều so với thực tế ở khu vực này và càng nhỏ hơn nữa so với tổng số những dự án treo trên địa bàn Hà Nội. Những dự án treo nằm chềnh ềnh ở hầu hết các quận, huyện. Dân biết rõ và bức xúc. Các sở ngành liên quan đều biết. Chính quyền các quận, huyện lại càng biết rõ hơn ai hết. Thực tế đó buộc người ta phải đặt ra câu hỏi tại sao những dự án treo vẫn tiếp tục phát sinh và tồn tại giữa Hà Nội - nơi mỗi tấc đất là tấc vàng?
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, dự án treo là các dự án được giao đất hoặc cho thuê đất nhưng không sử dụng trong 12 tháng liền kể từ khi chủ đầu tư nhận bàn giao đất trên thực địa; hoặc các dự án sử dụng đất chậm quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án.