Thách thức và cơ hội
Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 01/07/2011
Bên cạnh những rắc rối xung quanh cuộc chiến chưa rõ ngày kết thúc tại Libya của nhiều quốc gia trong ngôi nhà chung 27 thành viên, nhiệm kỳ 6 tháng của Ba Lan cũng sẽ nhuốm đậm màu sắc cuộc khủng hoảng nợ công đang làm chao đảo cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Thủ tướng Donald Tusk khẳng định tài chèo lái trên trường quốc tế, biến thách thức thành lợi thế cho Đảng Cương lĩnh công dân (PO) cầm quyền theo đường lối trung dung của ông trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới.
Thủ tướng Ba Lan D.Tusk đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU từ 1-7. |
Hiện tại, ngoài Anh và Pháp - hai quốc gia đi đầu trong cuộc tấn công vào Libya - còn có Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan và Italia là những thành viên EU tham gia cuộc chiến này. Dù các nhà lãnh đạo phương Tây luôn trấn an người dân sở tại rằng sứ mệnh ném bom đã "thành công", rằng quân nổi dậy đang tiến dần từng bước đến "chiến thắng", thế nhưng thực tế dường như không phải vậy. Bằng chứng là nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi liên tục xuất hiện trên truyền hình với lời lẽ ngày một đanh thép. Và các quốc gia tham chiến tại Libya vừa phải quyết định kéo dài cuộc chiến thêm 3 tháng nữa với hy vọng sẽ đạt được mục đích cuối cùng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, đây có lẽ vẫn chưa phải lần gia hạn chót.
Vấn đề ở chỗ, để duy trì các cuộc không kích, suốt 3 tháng qua, các nước tham chiến đã đốt một số tiền không nhỏ. Với một châu Âu đang ngập trong nợ nần, phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" chưa từng có để đối phó với khủng hoảng nợ thì chuyến vung tiền vào "cuộc chơi" ở Libya là điều khó được người dân Cựu lục địa chấp nhận. Trong khi đó, giới đầu tư ngày càng hoang mang về cuộc khủng hoảng nợ công sẽ lan rộng hơn nữa tại thị trường tài chính châu Âu. Không ít người đã tính đến kịch bản tồi tệ nhất, đó là trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng châu Âu và lan ra toàn cầu, tái diễn kịch bản cuộc khủng hoảng tài chính hồi tháng 9-2008.
Đối mặt với những khó khăn chồng chất, ngay từ đầu tháng 6, Thủ tướng Ba Lan D. Tusk đã vạch ra chương trình hành động cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh coi trọng giải quyết những rắc rối liên quan tới tình hình Trung Đông và Bắc Phi. Về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, Warsaw khẳng định sẽ làm rõ lập trường "phải giúp đỡ Athens bằng mọi giá để tránh một sự sụp đổ dây chuyền mà những hệ lụy của nó có thể tác động tới Eurozone nói riêng và châu Âu nói chung". Thủ tướng D. Tusk kỳ vọng sẽ ghi lại dấu ấn trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU bằng tính linh hoạt trong hành động để Ba Lan có thể phản ứng nhanh và hiệu quả trước mọi diễn biến có thể xảy ra.
Dư luận khu vực cho rằng, với một nhà lãnh đạo như Thủ tướng D.Tusk, Ba Lan không phải không có cơ hội gặt hái thành công trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU đầy chông gai này. Vì từ năm 2007, dưới sự chèo lái của ông - một chính khách có tư tưởng cởi mở và thực tế - Ba Lan đã có những bước tiến đáng kể. Nhờ theo đuổi đường lối phát triển kinh tế tự do và tăng cường hội nhập, cân bằng chính sách đối ngoại, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ và Nga, kinh tế nước này đã chẳng những được khôi phục mà còn có thể đạt tốc độ tăng trưởng 4,2% trong năm nay. Và, Ba Lan đang trở thành nước duy nhất trong EU duy trì được tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng tài chính.
Nhiều cuộc thăm dò dư luận tại Ba Lan mới đây cho thấy, uy tín của Thủ tướng D. Tusk và đảng cầm quyền ngày càng được củng cố, thể hiện qua khoảng cách biệt lên tới 22% so với đảng bảo thủ Pháp luật và Công lý (PIS) đối lập. Khoảng cách này được cho là sẽ càng nới rộng hơn khi Thủ tướng D. Tusk có cơ hội khẳng định trước người dân và chính giới quốc nội trên cương vị mới, giải quyết các vấn đề ở tầm cỡ châu lục và quốc tế rộng lớn chứ không chỉ gói gọn trong đất nước Ba Lan như hiện nay.