Phải nghĩ các em đến trường bằng cách nào?
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 30/06/2011
Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, phụ huynh xung quanh vấn đề này…
Bà Trần Thị Hoa Lư (Hiệu phó Trường THPT Trần Phú):
Cần sự ủng hộ của phụ huynh
Thực hiện mô hình thí điểm quản lý HS đi xe máy đến trường, Trường THPT Trần Phú đã thành lập ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể; lên kế hoạch thực hiện... Nhà trường tổ chức họp với các thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm, là những người gần gũi nhất với HS của mình, quán triệt việc thực hiện chủ trương chấp hành luật giao thông. Đồng thời, tổ chức họp với cha mẹ HS, ký cam kết không cung cấp phương tiện khi con chưa đủ điều kiện điều khiển. Công tác tuyên truyền cũng được trường thực hiện lồng ghép giáo dục đúng lúc, đúng chỗ; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh giữa giờ, nhắc nhở HS chấp hành nghiêm túc. Trường hợp vi phạm, HS bị hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng, cảnh cáo trước toàn trường, cho thời gian thử thách và thông báo về gia đình. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm của từng thầy giáo, cô giáo, phụ huynh cũng như HS. Việc tiếp tục triển khai mô hình này là cần thiết và tôi ủng hộ phương án nhân rộng ra toàn thành phố. Để sự chuyển biến thực sự bền vững, tránh tình trạng đối phó, tôi cho rằng, bên cạnh sự quản lý của nhà trường, quan trọng nhất vẫn là ý thức của chính HS và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh.
Bà Vũ Thị Hạnh (PHHS Trường THPT Phan Đình Phùng):
Không nên nuông chiều con cái
Gia đình đã ký cam kết với nhà trường không cung cấp xe máy cho con đến trường khi chưa đủ tuổi và sử dụng ĐTDĐ không đúng mục đích. Trong năm học, hằng ngày cháu vẫn đạp xe đi học, dù nhà cách trường học 5km. Phải nói rằng, những hôm giá rét, mưa gió hay nóng nực, thấy cháu lóc cóc đạp xe đi học, chúng tôi thấy rất thương, lo cho sức khỏe của cháu. Tôi bù đắp bằng cách chăm sóc cho cháu qua bữa ăn, qua sự khuyến khích, động viên, chứ không nuông chiều con theo ý thích của con quá mức. Bởi tôi cho rằng, nên để cho con biết được sự vất vả để cháu có ý thức vươn lên trong học tập và cuộc sống sau này. Qua trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy không ít gia đình trở nên "căng thẳng" trong việc cho hay không cho con đi xe máy đến trường. Có cháu gây sức ép với bố mẹ vì đơn giản hầu hết bạn bè của cháu đều có xe máy và dùng ĐTDĐ. Có cháu viện lý do đi xe máy và dùng ĐTDĐ để học tập tốt hơn... Thế nhưng, không thể vì thương con, lo con học tập vất vả, muốn con "bằng chúng bằng bạn" mà chiều theo ý thích của con được...
Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân):
Xây dựng đội xe đưa đón học sinh
Tôi hoàn toàn đồng tình với việc thành phố có chủ trương cấm học sinh đi xe máy. Trước hết là để hạn chế tai nạn cho chính các em và sau đó là để giảm thiểu nạn ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, nếu cấm các em đi xe máy, thì cũng phải nghĩ đến việc các em sẽ đi bằng gì đến trường? Bản thân chúng tôi không thể hằng ngày đưa đón con em mình được. Hơn nữa, hầu như sau giờ học chính khóa, các em đều phải học thêm và các lớp học thêm không phải lúc nào cũng ở trong trường. Xe buýt là một sự lựa chọn thay thế xe máy, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng nếu nhà và trường học thuận đường, không mất thời gian chuyển tuyến hay đi lòng vòng. Theo tôi nghĩ đã đến lúc các trường phải xây dựng đội xe đưa đón HS cho riêng trường mình hoặc kết hợp với trường xung quanh khu vực, có như vậy chủ trương cấm HS đi xe máy mới thực hiện được.
Học sinh Ngô Mai Lan (Trường THPT Kim Liên):
Phụ huynh cần nghiêm khắc hơn
Các bạn HS đi xe máy đến trường thường lấy lý do là nhà xa trường, đi học thêm nhiều. Nhưng các bạn ấy quên rằng, đi xe máy khi chưa có bằng lái không chỉ ảnh hưởng tới TTATGT, mà còn nguy hiểm cho chính bản thân. Có nhiều giải pháp thay thế vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm như đi xe buýt hoặc xe đạp... Còn việc sử dụng ĐTDĐ thì chỉ nên dùng khi có việc gấp cần liên lạc và phải tránh các giờ lên lớp. Song, nếu chỉ có nhà trường làm nghiêm việc này thì chưa đủ. Nếu các bậc phụ huynh không cho con dùng xe, không mua ĐTDĐ cho con, thì chúng em khó có thể vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay nội quy của nhà trường. Theo em, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp HS vi phạm, các bậc làm cha, làm mẹ cũng cần phải thay đổi cách giáo dục con cái, yêu thương con không đồng nghĩa với nuông chiều, tiếp tay cho hành động vi phạm pháp luật.