Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 06:45, 30/06/2011

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội (ĐH) X của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết TƯ 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng (TCĐ), chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được các cấp ủy Đảng từ TƯ tới cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực.


Một buổi sinh hoạt chi bộ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.  Ảnh: Huyền Linh

Tuy nhiên, ĐH XI của Đảng cũng nhận định: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít TCĐ còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu. Việc xây dựng TCCSĐ trong doanh nghiệp (DN) tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài còn chậm, vai trò của TCĐ ở đây mờ nhạt. Nhiều cấp ủy, TCĐ chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều TCĐ không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới theo tinh thần ĐH XI của Đảng, các cấp ủy, TCĐ cần quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng, nhất là TCĐ trong các đơn vị sự nghiệp và DN thuộc các thành phần kinh tế. Đây là nhiệm vụ và cũng là giải pháp lớn, quan trọng, có tính toàn diện nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ nói chung. Bởi vì, hoạt động của các TCCSĐ (bao gồm hoạt động lãnh đạo và hoạt động xây dựng nội bộ TCĐ) là hai hoạt động cơ bản nhất, quan trọng nhất, thể hiện rõ nhất năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCĐ. Các TCCSĐ có chất lượng, khả năng hoạt động tốt thì năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và ngược lại. Nghị quyết ĐH lần này nhấn mạnh phải tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ trong các đơn vị sự nghiệp như các học viện, nhà trường, bệnh viện, viện nghiên cứu và các TCCSĐ trong các DN thuộc các thành phần kinh tế.

Hai là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy, thực hiện trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cán bộ cơ sở. Có thể coi đây là giải pháp có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các TCCSĐ nói chung. Các cấp ủy, TCĐ cần xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể cho cấp ủy viên, lựa chọn những người xứng đáng vào cấp ủy và tập trung thực hiện việc chuẩn hóa, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng cho cấp ủy viên của đảng bộ, chi bộ.

Ba là, đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Đây là nhiệm vụ và giải pháp rất quan trọng, có tính thường xuyên đối với các TCCSĐ. Thực hiện tốt giải pháp này không những góp phần nâng cao chất lượng đảng viên mà còn góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và bộ máy nhà nước hiện nay. Để thực hiện tốt giải pháp này đòi hỏi các cấp ủy, TCĐ phải đề ra nhiều biện pháp cụ thể như: đổi mới công tác quản lý hồ sơ và đặc biệt là quản lý hoạt động thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên mới; đồng thời xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

Bốn là, phát huy tính tiền phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ và giải pháp này, các cấp ủy, TCĐ cần thực hiện tốt công tác phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp cho từng đảng viên, coi trọng phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên hằng năm. Những đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải là những đảng viên thực sự tiêu biểu, có thành tích nổi bật, luôn tiền phong, gương mẫu trong học tập, công tác và trong đời sống hằng ngày.

Năm là, tổng kết, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện Quy định số 15-QĐ/TƯ của BCH TƯ Đảng (khóa X) về đảng viên làm kinh tế tư nhân và thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ DN tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Đây là những chủ trương mới được nêu từ ĐH X và ĐH XI của Đảng, thể hiện bước phát triển mới trong tư duy lý luận về xây dựng Đảng của Đảng ta, phù hợp với bản chất và tính tiền phong của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta khẳng định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đảng viên cần phải đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động và nhiều của cải vật chất cho xã hội. Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân là Đảng tạo cơ hội, điều kiện để đảng viên phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trên mặt trận kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước. Kết nạp những doanh nhân chân chính, đủ tiêu chuẩn vào Đảng là góp phần làm tăng sức mạnh, năng lực lãnh đạo kinh tế của Đảng nói chung và các TCĐ có đảng viên là chủ DN tư nhân nói riêng, thông qua đó giúp Đảng hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang với giai cấp, nhân dân và dân tộc.

(HNM) - Tại buổi tọa đàm, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng do Tạp chí Cộng sản tổ chức hôm qua (29-6) tại Hà Nội, các nhà khoa học đã tập trung phân tích thực trạng, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Trong đó, các TCCSĐ cần nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương; tăng cường sinh hoạt chuyên đề, đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... Theo PGS,TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, hiện nay toàn Đảng có hơn 3,6 triệu đảng viên, 56 nghìn TCCSĐ, trong đó hơn 9.100 TCCSĐ ở nông thôn. TCCSĐ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi trực tiếp thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, nơi kiểm nghiệm và góp phần vào việc hình thành, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng. TCCSĐ còn là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Dân tin Đảng, theo Đảng hay không là nhờ ở vai trò rất quan trọng, trực tiếp của TCCSĐ, cán bộ đảng viên tại cơ sở.

Lê Hoàn

TS Dương Trung Ý