Nhân rộng mô hình cải cách thủ tục đầu tư, đất đai, XD cấp tỉnh
Kinh tế - Ngày đăng : 16:04, 28/06/2011
Buổi tọa đàm đã thu hút khá nhiều các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh, thành, sở, ngành một số địa phương phía Bắc tham dự.
Thực tế, trong những năm gần đây, Chính phủ và chính quyền các địa phương có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh đầu tư, đất đai, xây dựng nói riêng.
Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng rất phức tạp, không chỉ nhà đầu tư mà cả cơ quan nhà nước đối khi cũng lúng túng khi tổ chức thực hiện những thủ tục trong lĩnh vực này. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã có những sáng kiến cải tiến nhằm thống nhất và tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục liên quan trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Việc nghiên cứu các mô hình thành công tại Việt Nam và một số quốc gia khác, thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương để cải cách quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực này rất thiết thực, góp phần đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Trong thời gian qua, IFC phối hợp với CIEM và VCCI đã thực hiện nghiên cứu về cải cách quy trình và thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai và xây dựng. Đáng chú ý, các tổ chức này đã phát hành cuốn sổ tay “Cải cách quy trình và thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai và xây dựng: Sổ tay tham khảo về cải cách hành chính dành cho địa phương”.
Mục tiêu của cuốn sổ tay này là nhằm giúp các địa phương tham khảo các mô hình quy trình và các thực tiễn tốt trong cải cách hành chính liên quan tới đầu tư, đất đai, xây dựng.
Buổi tọa đàm tại Hà Nội hôm nay cũng như các buổi tọa đàm mới diễn ra tại miền Trung và miền Nam, là cơ sở để Ban Tổ chức, giới thiệu, chia sẻ những thực tiễn tốt và công cụ cải cách được đề cập trong cuốn sổ tay; cũng như tạo diễn đàn để các địa phương đã và đang thực hiện các biện pháp cải cách quy trình thủ tục trong lĩnh vực này chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Ban Tổ chức, các khảo sát, nghiên cứu gần đây cho thấy một số tỉnh, thành đã có nhiều mô hình tốt trong việc cải cách quy trình thủ tục đầu tư đất đai, xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Ninh Thuận, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Định, Thừa Thiên – Huế…
Ví dụ như Bắc Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chất lượng cao, đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 của tỉnh này đứng thứ 6 trong cả nước. Ông Nguyễn Phương Bắc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cho biết : Để cải cách thực sự hiệu quả, phải xuất phải từ nhu cầu, mong muốn từ sự phát triển của địa phương và thực tế đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp. Có như vậy, những cải cách này mới thực sự đi vào đời sống, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hay như với tỉnh Ninh Thuận, nhằm kêu gọi và thúc đẩy đầu tư, năm 2010, UBND tỉnh đã thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận. Văn phòng này có chức năng tham mưu công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư; làm đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn từ khâu đầu đến khâu cuối để triển khai dự án, theo mô hình “một cửa liên thông”, không thu phí với nhà đầu tư. Hoạt động của Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 của Ninh Thuận đã tăng thêm 7 bậc, đứng thứ 41.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết: Thủ tục hành chính của các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, tuy đã có bước đổi mới những vẫn còn phức tạp, rườm rà, chưa hợp lý. Do đó, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và người dân khi tiếp cận các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hiện nay ở nhiều địa phương đã xuất hiện một số mô hình, cách làm khác nhau để thu hút đầu tư, cần sớm tổng kết các mô hình này để lựa chọn cách làm thích hợp, hiệu quả trong thu hút đầu tư hiện nay.
Hơn nữa, ý kiến từ IFC-CIEM-VCCI cũng bày tỏ mong muốn giúp cho chính quyền địa phương có cách tiếp cận nhanh chóng và học hỏi được những cách làm, những mô hình tốt trong thực tiễn với chi phí thấp và tránh được những sai lầm trong quá trình thực hiện cải cách ở địa phương.