Ma quỷ dưới ánh đèn sân khấu
Văn hóa - Ngày đăng : 10:43, 28/06/2011
(HNMO)- Bấy lâu nay sân khấu kịch thị trường phía Nam gần như trông cậy vào những câu chuyện ma, quỷ để lôi kéo khán giả đến rạp. Lẽ dĩ nhiên kèm với hình ảnh kinh dị gây không khí hoảng loạn, nhiều sàn diễn chả ngại ngần gì khi đưa kèm cả những cảnh ân ái, nhằm làm khoái con mắt; hoặc xen nhiều đoạn tấu hài để nâng tầm giải trí, hả hê cho người xem.
Tình trạng này kéo dài đến 5 năm qua, kể từ khi vở “Hạnh phúc trên đồi hoa máu”, kịch kinh dị đầu tiên diễn ra tại sân khấu Idecaf, năm 2006. Giờ đây, những câu chuyện rùng rợn đã “phủ sóng” trên sân khấu phía Bắc, khi các nghệ sĩ Hà Nội dựng lại vở kịch kinh dị “Quỷ ám”, tiền thân từ vở “Quỷ”, một thời đã làm xôn xao thị trường kịch TP Hồ Chí Minh. Liệu những chuyện “Quỷ” và “Ma” có thể trở thành phương thức cứu chữa căn bệnh trầm cảm của sân khấu phía Bắc, nhiều năm qua?
Vô đề cho bóng ma, mắt quỷ, oan hồn
Trên thực tế nhiều vở kịch mang yếu tố kinh dị, rùng rợn của sân khấu thị trường ở TP Hồ Chí Minh rất thu hút người xem. Hiện trạng này có thể coi là sự đổi mới sân khấu sau những năm tháng ai ai đều chán ngấy những cảnh hài hước vô duyên, nếu không nói là rẻ tiền, kéo dài hàng chục năm trời. Ngay khi vở kịch mang yếu tố kinh dị đầu tiên “Hạnh phúc trên đồi hoa máu” đã làm nóng không khí sân khấu ngày đó và có sức hấp dẫn khán giả một cách bất thường. Vở diễn liên tục mấy tháng trời mà vẫn kín rạp và được coi như một mốc son cho loại hình kịch ma quái đang nở rộ hiện nay. Bên cạnh đó, vở “Người vợ ma” của Sân khấu Kịch Phú Nhuận, có thời diễn mỗi tuần mấy suất, mà vẫn cháy vé liên tục.
Từ đó, nhiều sàn diễn đua nhau đặt hàng cho các tác giả viết kịch ma để diễn kiếm tiền. Nổi lên trong thời gian này có nhiều vở hút khách không kém như: “Hồn ma báo oán” và “Quỷ” - Sân khấu Kịch Sài Gòn, hay “Ma rừng”và “Hồn trinh nữ” - Sân khấu Thế Giới Trẻ, thêm nữa “Trăng máu”, “Căn hộ 404” - Sân khấu Kịch Phú Nhuận, rồi nữa “Quả tim máu”, “Tử thi không đầu”... Ít ai ngờ những vở kịch làm rùng rợn người xem như vậy lại thu hút khán giả cho đến nay. Riêng “Người vợ ma” đang tiến tới con số 1.000 đêm diễn. Thậm chí, còn có kịch mục ăn theo cùng với cái tên “Người vợ ma 2” và cũng đã diễn kéo dài tới hai năm nay. Đó là một sự lạ.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể hầu hết các nghệ sĩ đều phô diễn tài năng qua các oan hồn, quái dị trong nhiều vở kịch thực sự yếu kém về nội dung. Kể cả những vở có sức sống kéo dài, trong một số năm, nhưng còn để lại nhiều hạt sạn khó nhằn về nội dung. Còn kỹ thuật dàn dựng với mục đích ly kỳ đã làm thị hiếu khán giả trẻ bị hạn chế nhiều, với các yếu tố thấm đẫm cảm giác rùng rợn, độc ác cùng với máu đổ, lệ rơi. Nhiều người xem khó hình dung cứ đà này không biết “Ma”, “Quỷ” còn làm u tối tâm lý khán giả đến đâu nữa. Nhất là mới đây, thái độ người xem chân chính đã lên tiếng với vở “Tử thi không đầu” của sàn diễn Sài Gòn Phẳng. Khi vở mới diễn được ba xuất, đã bị khán giả phản ứng gay gắt về những yếu tố kinh dị ma quái rất nhàm chán, cùng với đó là một nội dung yếu kém, sơ sài dẫn đến việc đã phải ngừng diễn. Giải thích hiện tượng này, NSƯT Trần Ngọc Giàu cho rằng, vở “Tử thi không đầu” sẽ hấp dẫn người xem, nếu như nó được chuyển tải dưới dạng một câu chuyện hình sự, theo đúng nội dung tác phẩm. Nhưng, nhà sản xuất lại muốn lái sang hướng kinh dị để thu hút khán giả, trong khi đó thủ pháp quá cũ không tạo sự bất ngờ. Đặc biệt ông còn đánh giá nhiều diễn viên tỏ ra quá non.
Nhưng lại có người nhận định thẳng thắn, hình ảnh đổ vỡ của “Tử thi không đầu” là hồi kết cáo chung của loại hình kịch hù doạ người xem. Bởi lẽ sự xuất hiện ma quỷ ồ ạt trên sân khấu kịch đã làm mọi người thấy nhàm chán, hơn nữa với nhiều nội dung chuyện diễn ra nhàn nhạt với những tình huống ngẫu nhiên phi lý, bỏ lửng và ý tưởng của nhiều vở diễn không rõ ràng, thể hiện sự lúng túng của tác giả và đạo diễn.
Hâm nóng bằng đốm lửa tàn?
Chuyện kịch quái dị ở phương Nam đang trở nên nhàm chán thì việc sân khấu Hà Nội mới đây dựng lại vở “Quỷ ám” của sân khấu TP Hồ Chí Minh có hẳn là đã tìm ra chiêu thức mới, nhằm hâm nóng không khí lạnh lẽo sân khấu phía bắc chăng? Hay chỉ là sự tập dượt đổi món “đời cười” leo lên tới phận thứ 10, cho dù đã gặp không ít khó khăn của Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ.
Với lực lượng diễn viên hài hùng hậu, quen thuộc với những cái tên như: Công Lý, Quang Tèo, Hiệp “gà”, Minh Hoà, Hoàng Lan, Hồ Phong…liệu có sức thu hút người xem, khi lần đầu tiên diễn kịch kinh dị. Đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu được Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sân khấu Việt Nam mời dàn dựng có hẳn sẽ đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều người lo bản diễn “Quỷ” của kịch Sài Gòn sẽ chệch “gu” với các nghệ sĩ của nhiều đoàn gom lại. Kiểu đánh “Pắc” của nghệ sĩ Hà Nội thật khó nhất quán như trong một đoàn có phong cách riêng. Bên cạnh đó, nội dung vở không có gì đặc sắc, mà chỉ trông cậy vào yếu tố kỹ thuật tạo sự ma quái trên sàn diễn, chưa chắc đã thu hút khán giả thủ đô. Điều này chứng tỏ không khí đã không được như ý, ngay từ khi vở được khai trương hồi tháng 5 vừa qua. Lẽ dĩ nhiên vở kịch còn có sự thử thách và trải nghiệm theo thời gian, mới biết được khán giả có hứng thú đón nhận hay không.
Tuy vậy, nếu với mục đích khởi động cho một đời sống mới cho sân khấu Hà Nội, thì quả còn nhiều điều phải bàn. Bởi lẽ, trước đây sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ đã từng khai thác loại hình kịch kinh dị qua vở “Quỷ nhập tràng” của tác giả Nguyễn Khắc Phục, do đạo diễn Lê Hùng dàn dựng, năm 1997. Vậy là nếu tính theo thời gian, sân khấu phía Bắc đã đi trước nhiều so với kịch thị trường phía Nam, về loại hình kịch ma quỷ này.
Nhưng vì sao mọi chuyện không suôn sẻ? Phải chăng khán giả Hà Nội khó tính hay vở diễn còn chỉ dừng lại yếu tố giải trí thuần tuý theo kỹ thuật hù doạ như hiện nay. Mới đây, NSƯT Hồng Vân dẫn đoàn ra Hà Nội diễn hai vở khá ăn khách ở TP Hồ Chí Minh như “Mẹ và hai người tình” và “Nỏ thần”; vậy mà cả hai đêm chỉ bán được vài chục vé. Thật khó tin vì sao khán giả thủ đô lại khó tính đến thế.
Do đó, không phải thấy khán giả rú lên và rùng mình là đã cho rằng chuyện ma quỷ là hay. Vậy việc các nghệ sĩ Hà Nội dựng lại vở “Quỷ ám” không thể lặp lại những vết chân đi trước anh em đồng nghiệp và lại càng không thể nhai lại những cọng rơm khô xác, cho dù trên vé đã ghi khuyến cáo: “Trẻ em và những khán giả yếu tim không nên xem vở diễn này”. Hy vọng, mỗi tuần vở “Quỷ ám” diễn được một xuất, là một thử thách không nhỏ với đoàn kịch mới ra đời. Khi tâm sự về vở diễn “Quỷ ám”, nghệ sĩ Hoàng Lan, người đóng một vai chính, đã từng có dịp bộc bạch: “Sân khấu Hà Nội như không có lối thoát khiến tôi rất buồn, tất cả các nghệ sĩ đều buồn”. Đồng thời, chị cho rằng, “Quỷ ám” không phải là lối đi mới, mà chỉ là sân chơi chung cho nghệ sĩ phía Bắc mà thôi.
Kỳ vọng đừng chỉ là kỳ dị
Sự mong mỏi sân khấu kịch trở lại thời kỳ hoàng kim, không phải là hoang đường, nhưng quả là cực kỳ vô vọng đối với các nghệ sĩ đứng trước muôn vàn khó khăn với chuyện cơm áo, gạo tiền. Kịch thị trường theo mô hình xã hội hoá ra đời là một sự tất yếu. Nhưng kèm theo đó là sự lao đao về phương hướng trước mắt, kịch luôn luôn chạy theo thị hiếu thay đổi của người xem; hết bi đến hài, chán sex thì chạy theo ma, theo quỷ, đều vì mưu sinh cả.
Vậy để thoát khỏi sự bế tắc hiện nay, sân khấu kịch tuy không thể cưỡng lại thực tế, chuyện đời sống và thị hiếu khán giả, nhưng nếu tất cả chỉ như thế thì đó là sự tha hoá của một nền sân khấu kịch nước nhà. Điều cần trước hết phải là trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ cần được phát huy bên cạnh tài năng, sáng tạo chứ không chỉ là chuyện duy nhất bán được nhiều vé. Sự định hướng với thẩm mỹ cao bao giờ cũng là hướng đi đúng, cần thiết. Và ắt hẳn nó sẽ có chỗ đứng trong đời sống, nếu người nghệ sĩ kiên trì theo đuổi. Khi ấy người xem sẽ là những người bạn đồng hành chứ không còn việc nghệ sĩ chạy theo đuôi những thị hiếu luôn biến động theo thị trường nữa.