“Không biết có còn hấp dẫn bạn đọc…”
Văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 27/06/2011
Nhìn vào hai cuốn trước của ông, thấy không biết lo lắng ấy có “chính đáng”: “Hồ Quý Ly”, (ra năm 2000, tái bản lần thứ 10), “Mẫu Thượng ngàn” (ra năm 2005, tái bản lần thứ 6). Đấy đều là “trường thiên”, số lượng tới con số vạn chưa kể bị in lậu, viết tay hoàn toàn và do NXB Phụ nữ làm cả. Ở tuổi xấp xỉ bát thập, “lội” vào những lịch sử, văn hóa, phong tục, triết học… để “chế” thành tiểu thuyết, sức lao động như thế thật đáng kinh ngạc, cảm phục.
“Đội gạo lên chùa” kể về một ngôi làng từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, nhân vật đều liên quan đến chùa làng, dù là vãi, tiểu, du kích, bộ đội, chức việc hay lính Pháp. Giặc khủng bố, ta ẩn nấp, giành lại đất đai rồi đem cải cách, đến lúc bom Mỹ dội xuống, bao nhiêu sự kiện, tâm thế đều diễn biến dưới bóng Phật. Nguyễn Xuân Khánh tự bạch: “Khoảng năm 1958-1959, tôi viết cuốn “Làng nghèo” không được in, gửi bản thảo chỗ nhà văn Lê Bầu. Lúc khoan hòa, được đi làm trở lại rồi, lấy lại bản thảo, tôi hỏi “In lại còn được?”, Lê Bầu bảo “Viết kiểu khác đi. Xưa lắm rồi!”. Năm 1977 tôi nằm viện E, cạnh ông sư có chú tiểu nâng giấc, nghe chuyện chú ở bộ đội gặp địch bắn lên giời, bị phê bình và chuyển sang anh nuôi. Những nhân vật khác cứ thế hình thành từ người xung quanh... Tôi nghiên cứu Phật giáo từ năm 1960, thấy đó là một thành tố quan trọng trong đời sống Việt, cần “đưa vào” tiểu thuyết, nhưng lại mênh mông quá. Lại có những sự kiện động chạm không thể bỏ qua, viết thế nào… Bản thảo chỉ có cốt rồi tưởng tượng tiếp nên cũng có chỗ lặp, lẫn, quên”.
Cuộc tọa đàm nói trên, trong cái nóng tháng 6, đã níu giữ những người tham gia đến cuối cùng. Xin lược ghi những ý kiến chủ yếu của các nhà văn, nghiên cứu phê bình, cán bộ giảng dạy về “Đội gạo lên chùa”.
- Châu Diên: Bộ ba tiểu thuyết từ thế kỷ XXI là sự cố kết về tinh thần để “gọi bầy đàn Việt”; Hồ Quý Ly chuyển từ kịch sang kêu gọi cách tân, Mẫu Thượng ngàn (MTN) về Đạo Mẫu, Đội gạo lên chùa về Phật giáo. Thi pháp cuốn sau cùng đổi nhiều ngôi kể, lúc là “tôi”, lúc là giấc mộng.
- Đoàn Ánh Dương: Sự “lai ghép” trong nhiều nhân vật như là cách kiến giải dân tộc. Nhiều vấn đề thú vị được nêu nhưng chưa triển khai đến nơi.
- Hoàng Quốc Hải: cuốn này tỏ kỳ vọng một lối sống Phật giáo, cùng với MTN thì đều là văn hóa phong tục. Có hai hướng khai ngộ cho người đọc, người Tây mở tâm ác cho Bernart, sư Vô Úy mở từ bi hỉ xả cho An, Độ… Nhưng tùy duyên mà tiếp nhận thế nào, nó cho thấy cái mênh mông của Phật giáo. Sách chạm đến một hiện thực tôn giáo, là đối cảnh không vô tâm được, làm phải nghĩ đến các ngôi chùa hiện nay quy mô cứ lên mãi.
- Nguyễn Thị Minh Thái: Đạo Phật được Việt Nam hóa ở cái lõi “tùy duyên”, hoàn toàn nhập thế khi “vào” trong con người trồng lúa khỏe mạnh, sư mô vẫn cứ hệ lụy. Sách dày quá, thu hẹp bạn đọc.
- Văn Chinh: Văn đẹp, đầy ăm ắp, chan chứa, phải có tâm thế tự tại mới viết thế được. Đục đẽo nhiều hình tượng lớn mà không gồ ghề, như Thalan, Thầm. Bernart vừa ác, lại mưu vặt kiểu tiểu nông. Ông đánh giá cải cách ruộng đất vừa đúng, thấy cái di hại của nó, lại vẫn bác ái.
- Phong Lê: Vốn sống cũng như tri thức dày dặn lắm, mà những gì thành ra con chữ đều đã được trải nghiệm cả, cho nên nó tự nhiên an nhiên, không bị nống lên. Viết thế này khó lắm.