"Đáy" nào cho bất động sản ?

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:10, 27/06/2011

(HNM) - Hiện tượng đóng băng toàn bộ phân khúc đất nền trải từ Đông Anh tới Sóc Sơn và căn hộ cao cấp ở phía tây Hà Nội đang đặt ra những dấu hỏi lớn: Phải chăng những đồn đoán về quả bóng bất động sản đang xì hơi và nhận định của không ít chuyên gia rằng thị trường vốn đầy những chuyện


Trước việc dự án biệt thự nhà vườn Thăng Long - Đại Mỗ, Rừng cọ - Ecopark giảm giá chung cư tới 12% và hàng loạt dự án khác tung đủ chiêu khuyến mãi khiến không ít người nhắc đến chuyện đâu là "đáy" của thị trường bất động sản (?). Thế nhưng chỉ khái niệm "đáy" đã là câu chuyện mà ngoài giới đại gia trong làng đầu cơ, không mấy ai tường tận. Ví như: Đâu là giới hạn của "đáy" tạm thời? Đâu là "đáy" mà từ đó có thể tạo ra những làn sóng gia tăng? Và đâu là "đáy" phù hợp với mặt bằng thu nhập của đại đa số người dân?...

Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, "đáy" của bất động sản là giá thị trường bằng giá thành sản xuất. Xét theo khái niệm này, với giá được chào bán hiện nay, "đáy" của thị trường bất động sản còn ở rất xa. Thời điểm hiện tại không phải là lúc các đại gia nhà đất một sớm một chiều chấp nhận xả hàng để chịu lỗ. Chưa kể những tín hiệu lạc quan từ việc điều hành linh hoạt thị trường tiền tệ có thể mở ra những kỳ vọng mới cho các nhà đầu tư trong việc huy động vốn… Thêm nữa, thị trường bất động sản Hà Nội có những đặc thù, quy luật riêng nên lúc này đã tới "đáy" hay không lại là câu chuyện khác. Thực tế ở mảnh đất " hội tụ tinh hoa" này, nhu cầu nhà ở của cư dân hàng phố tại các khu vực trung tâm vẫn còn rất lớn, chưa nói đến việc người ở các tỉnh luôn có nhu cầu đổ về Thủ đô mua nhà với vô vàn lý do. Có thể dễ dàng thấy rằng nhận định, hiện tượng giảm giá hàng loạt bất động sản trên thị trường Hà Nội chỉ là một "khoảng lặng" (?).

Vậy chuyện bất động sản xuống "đáy" là thế nào? Không khó tìm câu trả lời. Các chính sách quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như điều hành lãi suất ngân hàng, giảm cung tiền ra thị trường… đã và đang thắt chặt nguồn vốn của thị trường bất động sản. Nhà đầu tư khát vốn buộc phải giảm giá tới mức có thể chấp nhận được để giải tỏa. Trong khi đó, những nhà đầu cơ nhỏ lẻ, làm ăn nhì nhằng đã hướng dòng tiền vào các khoản khác có lãi nhanh hơn. Đây là lý do chính để xuất hiện những thang bậc của "đáy" và thời gian tới bất động sản sẽ còn tìm đến những cái "đáy" mới. Và một điều chắc chắn rằng thị trường bất động sản sẽ không sụp đổ như những đồn đoán gần đây.

Vẫn chưa có chuyện bong bóng bất động sản xì hơi hay vỡ và những cái "đáy" mới của thị trường đã tiến gần hơn đến giá trị thật là tín hiệu tốt. Điều thật sự đáng lo ngại là thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang chiếm giữ một lượng vốn khá lớn. Những năm qua đã có hàng tỷ USD nằm im trong bất động sản. Xét trên bình diện kinh tế, nếu bỏ vốn quá nhiều vào thị trường này, sẽ không tạo ra được của cải vật chất cho xã hội. Đây là một sự lãng phí nguồn lực.

Các chính sách cấp bách để siết lại thị trường bất động sản, nhằm giảm thiểu rủi ro có thể tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế là vấn đề đã và đang được đặt ra. Và dài hơi hơn, Nhà nước cần ban hành những giải pháp đồng bộ để khai thác, sử dụng nguồn tài sản giàu có là tài nguyên đất đai thành động lực phát triển.

Thế Phương