Kinh tế Mỹ chưa lạc quan

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 27/06/2011

(HNM) - Ba năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nước Mỹ đang đối mặt với thách thức khắc nghiệt hơn khi tốc độ hồi phục của nền kinh tế vô cùng chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài.

Sự phục hồi chậm chạp này chủ yếu là do những nhân tố mang tính chất tạm thời như giá lương thực và năng lượng tăng cao làm giảm sức mua hay sự đứt quãng của các dây chuyền cung cấp do tác động của thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản.

Tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là bài toán khó cho sự tăng trưởng của nước Mỹ.


Ngày 22-6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2011 ở mức 2,7-2,9%; đồng thời thừa nhận sự phục hồi của kinh tế đã chậm lại trong vòng 2 tháng qua. Đánh giá triển vọng năm 2012, FED dự đoán kinh tế Mỹ tăng trưởng từ 3,3 - 3,7%, thấp hơn so với lần dự báo trước. Trong tháng 5 vừa qua, Mỹ chỉ có thêm 54.000 việc làm mới, ít hơn nhiều so với 2 tháng trước và chi tiêu tiêu dùng cũng rất yếu, tỷ lệ thất nghiệp là 9,1%. Lý giải vấn đề này, Phòng Phân tích thông tin kinh tế (EIU) cho rằng ngành công nghiệp Mỹ mới hoạt động ở mức 75% công suất, so với mức trên 80% trước khủng hoảng. Các công ty vẫn không muốn thuê thêm lao động vì chưa tin vào nhu cầu trong tương lai. Không có việc làm khiến người tiêu dùng Mỹ rụt rè chi tiêu và trở nên tiết kiệm chưa từng thấy. Từ đầu năm 2008 tới nay, tăng trưởng tiêu dùng ở Mỹ chỉ ở mức 0,5%. Có lẽ chưa bao giờ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, người tiêu dùng Mỹ hạn chế mở ví lâu như vậy. Với tiêu dùng chiếm 70% GDP, suy giảm tiêu dùng sẽ làm tổn hại nặng nề tới tăng trưởng kinh tế, trừ phi nước Mỹ nhanh chóng tìm ra một động lực tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính công cũng không mấy lạc quan khi nợ công Mỹ đã chạm mức trần 14,29 nghìn tỷ USD vào giữa tháng 5, cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, đang tạo sức ép nâng trần nợ trước hạn chót vào ngày 2-8. Nếu trần nợ Mỹ không được nâng sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ vỡ nợ và hậu quả thật khó lường.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang làm mọi việc có thể để ngăn chặn tình trạng bất ổn kinh tế. FED sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức siêu thấp gần bằng không; nới lỏng tín dụng nhằm khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu và tái đầu tư các khoản tiền thu được từ cầm cố chứng khoán. Trong khi đó, Quốc hội và Chính phủ thực hiện các giải pháp ngăn chặn làn sóng tịch biên nhà cửa, các chương trình giãn nợ...

Kim Phượng