Đổi mới chương trình SGK giáo dục PT: Không nên nóng vội
Giáo dục - Ngày đăng : 06:59, 27/06/2011
Đề án “Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông” đang được dư luận quan tâm. Ảnh: Linh Tâm |
Ông Nguyễn Văn Quý (phường Hàng Bột, quận Đống Đa): Không thể đánh giá đề án qua chi phí đầu tư
Đề án mới chỉ ở bước phác thảo (theo thông tin mà Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra là mới chỉ gồm 30 trang giấy, chưa có các kết quả công trình nghiên cứu đi kèm) mà đơn vị xây dựng đề án đã đưa ra con số 70.000 tỷ đồng có vẻ là phi lý, ngược với lộ trình. Thông thường, để tiến hành một dự án nào đó, người ta phải xây dựng được một kế hoạch: làm gì, làm như thế nào, trong thời gian bao lâu, kết quả đạt được là gì? Quy trình ở đây lại đặt ra gói kinh phí, sau đó phân bổ theo đầu việc, rồi mới tính ngược đến các bước tiến hành, khác nào mở thầu một dự án xây dựng. Cải cách giáo dục hay đổi mới sách giáo khoa là cả một công việc lớn của quốc gia, có tác động lớn tới nhiều thế hệ công dân. Nếu đổi mới thật sự, 70.000 tỷ không phải là nhiều. Nếu chỉ làm hời hợt cho có "đề án" thì 70.000 tỷ là quá lãng phí và tốn kém. Theo tôi, không thể đánh giá quy mô, mục đích và giá trị của đề án này qua con số chi phí đầu tư.
Bà Hoàng Thị Mai Loan (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm): Lo ngại về năng lực người xây dựng SGK mới...
Nghe thông tin ngành giáo dục - đào tạo đang xây dựng đề án đổi mới sách giáo khoa, tôi lại nhớ đến "sáng kiến" thay đổi bảng chữ cái những năm trước. Khi đó, một người có trách nhiệm, có học vị của ngành đã xây dựng và ra sức bảo vệ sự cần thiết phải đảo vị trí của chữ "a" và chữ "e". Nhớ lại việc này khiến cho chúng tôi, những bậc làm cha, làm mẹ có con cháu học chương trình giáo dục phổ thông lo ngại về năng lực của những người xây dựng bộ sách giáo khoa mới. Không biết Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chọn được những người thật sự có khả năng, tri thức, tâm huyết để tham gia xây dựng bộ sách giáo khoa mới hay chưa?
Bà Phạm Thị Hường (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân): Điều chỉnh, thay mới SGK là cần thiết
Sách giáo khoa hiện nay đã lạc hậu, cần phải chỉnh sửa hoặc thay mới. Những bài ngữ văn học ở trường với những văn cảnh, lối tư duy quá xa lạ và "cổ lỗ sĩ" với các em học sinh thế hệ 8x, 9x, khiến các em chỉ có thể "cảm nhận" theo lối mòn, sáo rỗng từ bài giảng của thầy giáo, cô giáo. Những bài học trong SGK toán, vật lý, hóa học… thì quá chậm so với sự phát triển và đòi hỏi khoa học, kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam, chưa nói gì đến thế giới. Cứ đầu mỗi năm học, chúng ta lại thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại bàn thảo về trong SGK. Sau đó, ngành giáo dục cũng có tiếp thu, chỉnh sửa nhưng rồi vẫn có rất nhiều lỗi. Do vậy, việc "thay máu" toàn bộ chương trình SGK của cả hệ phổ thông để thống nhất, hoàn chỉnh và phù hợp với kiến thức thực tế là việc cần làm và phải làm sớm. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình SGK mới này cần phải do những chuyên gia thực sự trong từng lĩnh vực và phải là những người trực tiếp giảng dạy, trực tiếp nghiên cứu và làm việc thực tế biên soạn để SGK không chỉ là mớ "lý thuyết suông".
Ông Mai Quốc An (phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây): Chương trình SGK mới
dựa vào tôn chỉ, mục đích nào?
Qua các buổi tọa đàm của các chuyên gia và người có trách nhiệm quản lý về đề án đổi mới SGK, tôi thấy việc xây dựng đề án hơi nóng vội. Trong khi Bộ Giáo dục - Đào tạo còn đang xây dựng dự thảo chiến lược giáo dục, tức là "kim chỉ nam" của mọi hoạt động đổi mới, cải cách trong giáo dục còn chưa được công bố, thì việc xây dựng chương trình SGK mới sẽ dựa trên tôn chỉ, mục đích nào? Con số 70.000 tỷ đồng không chỉ dành cho chi phí xây dựng và in ấn, phát hành SGK; phần lớn số tiền đó được dành cho việc xây dựng trường sở, đầu tư trang thiết bị trường học, đào tạo giáo viên… Vậy nếu lấy con số 70.000 tỷ làm "mốc", đến khi đề án được xây dựng và triển khai trên thực tế, liệu số tiền đó có còn nguyên giá trị hay đã bị "trượt giá", rồi trở thành "đề án treo". Tôi nghĩ, ngành giáo dục không nên nóng vội, hãy hình thành ý tưởng và kêu gọi nhân tài trước, sau đó mới bàn đến việc xây dựng đề án thì sẽ được dư luận đồng tình, ủng hộ hơn.
Ông Lương Văn Phú (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh): Cần xã hội hóa việc xây dựng SGK mới...
Thời gian qua, ngành giáo dục - đào tạo đã tiến hành xã hội hóa rất mạnh. Điển hình là việc ra đời nhiều trường tư thục, trường quốc tế… Chính việc xã hội hóa mạnh mẽ này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cấp phổ thông, bởi nó tuân theo quy luật cạnh tranh và quy luật cung - cầu. Vậy tại sao không tiến hành xã hội hóa việc xây dựng và xuất bản SGK để tập hợp trí tuệ, kiến thức của toàn xã hội. Chẳng hạn, khuyến khích các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu tự viết sách, xây dựng đề tài… trên cơ sở yêu cầu, tiêu chí của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ tập hợp trí tuệ các nhà khoa học, nhà sư phạm rồi lựa chọn, tập hợp, biên tập thành bộ sách phát hành, quản lý thống nhất.