Áo lính không bạc màu
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 26/06/2011
Hạt nhân văn nghệ quân đội
Đánh giá về lực lượng viết trẻ quân đội, nếu mở rộng ngoài khung 35 tuổi một chút để làm một cuộc "điểm danh lực lượng", nhìn nhận và định hình đội ngũ này thì có lẽ toàn diện hơn. Nhiều nhà văn trẻ quân đội đã có nỗ lực sáng tạo, có những tìm tòi, để mở rộng biên độ hoạt động và tầm ảnh hưởng. Điểm danh nhà văn trẻ mặc áo lính là chạm đến một phần sôi động của đời sống văn học cả nước với những cái tên như: Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Thủy…
Nhà văn Chu Lai và nhà văn trẻ Lý Hữu Lương. Ảnh: Xuân Thủy |
Thời sự văn học cho thấy trong số gương mặt nổi trội được báo chí nhắc đến luôn có những cái tên thuộc lực lượng viết trẻ quân đội. Ngày thơ Việt Nam, ngày hội đọc sách thế giới, các cuộc tọa đàm, hội thảo văn chương… đều có sự tham gia của Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Thủy, Đoàn Minh Tâm, Đoàn Văn Mật… Họ đã tạo cho mình được một thương hiệu riêng trong dòng chảy chung của văn học nước nhà. Những thủ lĩnh của văn trẻ quân đội cũng là thủ lĩnh của văn trẻ cả nước. Như Đỗ Bích Thúy có tên trong danh sách đề cử Ban chấp hành tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII năm 2010. Như Nguyễn Đình Tú tham gia Ban Công tác nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam…
Nguy cơ bạc màu áo lính?
Sự bạc màu ở đây có thể hiểu theo hai hướng: Thứ nhất là lực lượng viết trẻ nói chung của quân đội xa rời những đề tài vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa thiết thân với mình như đề tài chiến tranh cách mạng, người lính mà chạy theo các đề tài câu khách, "hot"… Thứ hai là những cây bút ít nhiều đã trưởng thành từ môi trường bên ngoài, sau đó mới vào quân đội hoạt động văn học, vì thế mà không "hiểu" quân đội, còn e dè, ngại ngần và ít có những sáng tác về người lính. Liệu có nguy cơ ấy không?
Nhìn người trẻ lại thấy nhớ cái thời mà những Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu, Chu Lai với những sáng tác bề thế về đề tài chiến tranh cách mạng khiến tác phẩm - tác giả nổi như cồn. Rõ ràng, những người viết hôm nay với một trải nghiệm mới, khác hoàn toàn, sẽ phải dấn thân kiếm tìm nhiều hơn, thận trọng hơn trước đề tài căn cốt và thiêng liêng. Họ cũng đã day dứt, trăn trở rất nhiều khi ngòi bút chưa chạm tới "vùng thiêng" ấy.
Nhưng thế hệ nhà văn thời chiến cũng có nhiều tác phẩm hay và có giá trị về các đề tài đời thường khác thì hà cớ gì phải lo ngại khi các nhà văn trẻ hôm nay viết về cuộc sống của họ, thời đại của họ, thế hệ của họ bên cạnh những sáng tác về người lính? Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ phát biểu tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quân lần thứ nhất vừa qua rằng, ông thèm một đội ngũ biên tập viên (BTV) như Văn nghệ quân đội đang có. Không chỉ còn khá trẻ, "mặt bằng" chất lượng tương đối đồng đều, họ cũng đồng thời là những tác giả ít nhiều đã được ghi nhận trên văn đàn. Để có được điều này, từ nhiều năm trước, những nhà văn, nhà thơ đi trước như Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Sương Nguyệt Minh… đã cất công trong việc phát hiện, tìm kiếm những cây viết xuất sắc. Nào là lên Hà Giang để xin nhà văn Đỗ Bích Thúy khi ấy đang là phóng viên Báo Hà Giang, hay lên Lào Cai để xin nhà văn Phạm Duy Nghĩa khi ấy đang là giáo viên văn học nghệ thuật của quân đội và còn một số cây bút trẻ khác nữa cũng được phát hiện, đầu quân về "Nhà số 4"...
Rõ ràng, dù từ "lõi" quân đội đi ra, hay từ ngoài vào, những người viết trẻ khoác áo lính cũng đang khẳng định mình.
Đi tìm chất lính
Tin tưởng ở lớp trẻ, mạnh dạn sử dụng họ vào vai trò quản lý văn học là điều được văn giới cả nước đánh giá rất cao. Bản thân những người gia nhập hàng ngũ này cũng được đào tạo, bồi dưỡng và tự mình lăn lộn, khám phá để hiểu hơn về người lính. Chất lính thầm dần một cách tự nhiên vào mỗi trang viết của họ, dù là ở đề tài nào.
Đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang là một đề tài lớn, là sự thử thách ngay cả với các cây bút "cây đa cây đề" của quân đội và cả nước. Kỳ vọng có những tác phẩm xứng đáng, xứng tầm lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, kỳ vọng có những trang viết hay về người lính là chính đáng và cần dành cho nó một sự quan tâm đặc biệt. Chỉ cần đừng tạo áp lực quá lớn với lực lượng viết trẻ.