Những người “khát” ruộng
Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 26/06/2011
Tây Tựu "khát" đất trồng hoa
Bên cánh đồng hoa bát ngát, anh Nguyễn Văn Điệp ở xóm 2, xã Tây Tựu cho biết, cùng với nhiều hộ khác ở địa phương, năm 1990 anh chuyển tất cả 3 sào ruộng trồng lúa của gia đình sang trồng hoa. "Làm hoa tuy vất vả nhưng thu nhập cao hơn trồng lúa, vậy là năm 1996, tôi mạnh dạn mở rộng đầu tư, đi thuê thêm 6 sào ruộng của xã bên cạnh để mở rộng diện tích trồng hoa". Theo anh Điệp, với 6 sào ruộng thuê, trừ tiền thuế đất (khoảng 600.000 - 1 triệu đồng/sào/năm), chi phí thuốc sâu, phân bón, công lao động… thì vợ chồng anh cũng để ra được gần trăm triệu đồng.
Làng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm. Ảnh: Internet |
Hoa Tây Tựu đã thành thương hiệu được biết rộng rãi, người đi thuê đất trồng hoa ngày một nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Hiệp, xóm 3, xã Tây Tựu cho hay, sau trận lụt lịch sử cuối năm 2008, anh cùng 5 người họ hàng tìm đến Yên Sở, huyện Hoài Đức thuê gần 10 mẫu ruộng để trồng hoa hồng. "Ruộng Yên Sở cao, không bị ngập, đất tốt nhưng dân Yên Sở có truyền thống buôn bán, làm dịch vụ và các nghề truyền thống nên nhiều hộ từ lâu đã không mặn mà với ruộng. Bên thì chán ruộng, bên lại đang cần, nên các hộ trồng hoa ở Tây Tựu đến xin thầu ruộng ngày một đông" - anh Hiệp cho biết. Chỉ sau vài tháng, đến nay, diện tích hoa Tây Tựu trên đất Yên Sở đã lên tới 10ha.
Theo ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, hiện xã có hơn 300ha trồng hoa, chiếm 84,6% diện tích canh tác toàn xã. Cả xã có 2.600 hộ thì có tới 95% sống nhờ cây hoa. Những năm gần đây, cây hoa phát huy giá trị, mang lại cuộc sống sung túc hơn cho nhiều hộ. Dân muốn mở rộng diện tích trồng hoa nhưng đất nông nghiệp của địa phương có hạn, nên phải rời làng đi thuê ruộng. Ban đầu, họ thuê đất ở các xã lân cận như Thượng Cát, Liên Mạc, Xuân Phương… nhưng dần dần đất gần cũng hết, phải đi xa hơn, đến nhiều vùng thuộc các huyện Hoài Đức, Đan Phượng… thuê hàng trăm héc ta.
Bỏ phố lên rừng
Nông dân Tây Tựu "khát" đất, phải đi xa hàng chục kilômét để thuê đất trồng hoa thì cũng chưa bằng dân Đắc Sở (Hoài Đức), Minh Tân (Phú Xuyên)... rời làng ra tỉnh bạn, thậm chí vào Nam hoặc ngược lên vùng núi phía Bắc thuê mướn đất sản xuất.
Ở thôn Thành Lập, xã Minh Tân, Phú Xuyên, cách đây 15 năm, gia đình ông Nguyễn Xuân Mai là những người đầu tiên lên Cao Bằng lập nghiệp. Ông Mai cho biết, ở quê đất ít, người đông, nhà ông 6 khẩu nhưng chỉ có hơn 3 sào ruộng, không có nghề phụ nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Lên Cao Bằng, ông thuê đất trồng rau. Từ 5 sào rau ban đầu, đến nay ruộng rau của ông Mai đã tăng lên gần 1 mẫu. Theo ông Mai, mỗi năm trừ tiền thuê đất, chi phí khác thì cũng để dành được khoảng 80 - 100 triệu đồng. Cuộc sống ngày một khấm khá, ông về quê kéo anh em, họ hàng lên đây cùng thuê đất trồng rau. Từ một hộ, đến nay đã có một "làng Hà Nội" với gần 30 hộ giữa miền sơn cước này. Chủ tịch UBND xã Minh Tân Tô Văn Thanh lý giải, Minh Tân có truyền thống trồng rau và sản xuất hạt giống rau nhưng đất đai ở quê rất ít. Vì vậy, nhiều nông dân đã phải rời làng đi làm ăn xa. Ngoài "làng Hà Nội" ở Cao Bằng, Minh Tân còn có hơn chục hộ vào Lâm Đồng thuê đất trồng rau. Dù phải đi xa nhưng hầu hết các hộ đều có kinh tế khá, gửi tiền về quê xây nhà khang trang.
Xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức được mệnh danh là thủ phủ cây ăn quả. 75/100ha đất nông nghiệp của xã và khoảng 20ha đất thuê tại các xã lân cận được đưa vào trồng cam, bưởi và phật thủ. Gần đây, trước nhu cầu mở rộng diện tích cây ăn quả, làn sóng làm ăn xa ngày một lan rộng. Anh Nguyễn Quang Thu, thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở cho hay, hiện anh có 1ha trồng cam Canh, bưởi Diễn ở khu bãi ven Đáy. Để có 1ha đó, anh phải thuê đất của 3-4 hộ, gom lại thành 3 vườn, cộng cả tiền bán cây giống thì mỗi năm cũng cho số thu 400-500 triệu đồng. Khi thuê đất, dân tự thỏa thuận với nhau, thời hạn hợp đồng chỉ vài ba năm là hết. Trong khi đó, cây ăn quả là cây trồng lâu năm, hợp đồng ngắn hạn thì dân không yên tâm đầu tư lớn". Năm 2010, anh Thu đã tìm đến Lục Ngạn, Bắc Giang thuê đất trồng cam Canh, bưởi Diễn với diện tích gần chục héc ta. "Chẳng ai muốn xa quê, nhưng đất đai ở đây rộng hơn, cơ chế thuê đất cũng thoáng hơn, đồng nghĩa với cơ hội đầu tư sản xuất lâu dài hơn" - anh Thu vui vẻ cho biết.
Trong khi ở nhiều vùng ven đô, người dân không quan tâm tới ruộng vườn, năng suất bấp bênh, thì vẫn còn những nông dân chắt chiu từng tấc đất để tạo ra những "tấc vàng". Và hơn hết thảy, đó là tình yêu lao động, khát vọng làm giàu.