Từ ngân sách một nông hộ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 26/06/2011
2. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha (một năm, hai vụ). Bây giờ nói chung lên tới 15 tấn (khoảng 5 tạ/sào). Năng suất tăng gấp 3, thậm chí hơn và mức sống cũng hơn. Những năm ấy lương công nhân trung bình 50 đồng/tháng, chừng 7USD (tỷ giá lúc đó 1USD/7 đồng); lương ấy bây giờ chừng 1,5 triệu đồng, khoảng 70 USD. Dù có trượt giá gì nữa thì đời sống cũng đã khá lên nhiều. Và cái chính là không sợ mất sổ gạo.
3. Đời sống công nhân lên, đời sống nông dân, đa số trong xã hội, cũng vậy. Và quan trọng nhất của đổi mới là cái ăn không còn chiếm phần quan trọng nhất trong ngân sách gia đình, mà là học hành. Hãy lấy một hộ nông dân trung bình về mọi phương diện làm ví dụ: Thuần nông, 4 khẩu, bố mẹ mới ngoài 50, còn sức lao động; 2 con, 1 đã đi làm, tự lập; 1 đại học; 5 sào ruộng; toàn bộ thu nhập và chi tiêu dựa vào năng suất lúa với giá như vụ Đông xuân này cao là 800.000đ/tạ (vụ này được mùa, được giá). Vị chi tổng thu: 5 sào x 5 tạ x 800.000 đồng = 20 triệu đồng
Chi (cho 1 con sinh viên): Từ 1.500.000đ đến 2.000.000đ/tháng, gồm: Ăn (700 - 800 nghìn); ở (300 đến 700 nghìn, kể cả tiền điện); học phí (200 - 600 nghìn và hơn); sách vở, đồ dùng học tập (khoảng 200 nghìn); tiêu vặt (khoảng 200 nghìn); đó là chưa tính học thêm (mỗi tháng ít nhất 200 nghìn)... Học bổng, làm thêm (nếu có) sẽ được tính vào 2 tháng hè về nhà coi như bố mẹ không phải nuôi.
Như vậy: 1,5 triệu x 10 tháng = 15 triệu; ngân sách gia đình còn lại 5 triệu cho 2 người (bố và mẹ) trong cả năm, 12 tháng, không chỉ ăn mặc, mua sắm mà còn hiếu hỷ, giỗ chạp, ủng hộ... và lạy trời không bị bệnh tật...
Theo quy định hộ nông dân thuộc diện nghèo nếu thu nhập đầu người mỗi tháng từ 400 nghìn đồng trở xuống. Hộ nông dân nói trên theo thu nhập thì hoàn toàn không nghèo nhưng thực tế thì sao?
Cả tôi, người hỏi và cả họ, sinh viên trả lời, đều bất ngờ với kết quả thu được. Từ đó có thể đưa ra mấy kết luận:
1. Giáo dục nhà trường nói rất nhiều về công cha nghĩa mẹ vậy mà những cô, những cậu sinh viên cùng tôi tiến hành cuộc điều tra nhỏ này không thể ngờ bố mẹ họ hy sinh nhiều đến vậy. Chương trình giáo dục, cũng như hoạt động của các đoàn thể, quá lý thuyết, thiếu ví dụ cụ thể sinh động thực tế nên hiệu quả không cao.
2. Đại học rất tốn kém nên hiện tại chưa thể rộng rãi; liệu cần thiết tỉnh nào cũng phải có trường đại học hay nên phát triển mạnh trường dạy nghề, vừa thực tế, vừa tạo hiệu quả cho xã hội. Và cũng nên xem xét lại kế hoạch thu các loại phí; thu theo học kỳ... của nhà trường đối với sinh viên.
3. Các vị phụ huynh, nhất là ở nông thôn, nên xem xét lại quan niệm về học và khả năng thực tế khi giúp con định hướng nghề nghiệp. Và các bạn trẻ cũng cần nhìn lại hoàn cảnh của gia đình và cha mẹ trước khi đòi hỏi.
4. Các nhà khoa học, các viện nghiên cứu nông nghiệp cũng nên xem lại các kế hoạch nghiên cứu, các dự án của mình sao cho thực tế hơn, cho lao động nông dân hiệu quả hơn và nông sản của họ mang lại nhiều lợi ích hơn.
Và cuối cùng, cần xem xét đời sống của nông dân dựa trên thực trạng như vậy chứ không chỉ trên sản lượng báo cáo. Những quyết định thu hồi đất nông nghiệp chỉ để làm sân gôn, hoặc những khu công nghiệp chẳng bao giờ được lấp đầy... thì chắc rằng ngân sách gia đình của nông dân sẽ mang lại lợi ích cho họ nhiều hơn như đổi mới đã mang thu nhập cho họ.