Nỗi lo khủng hoảng thiếu
Du lịch - Ngày đăng : 07:26, 25/06/2011
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về căn nhà cổ 87 Mã Mây (Hà Nội) cho du khách quốc tế. Ảnh: Nhật Nam |
Chấp nhận hành nghề... "chui"
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến hết tháng 5 năm 2011, ngành du lịch đã cấp 7.537 thẻ HDV, trong đó có 5.272 thẻ HDV quốc tế và 2.265 HDV nội địa. Hiện vẫn còn khoảng 500 người chưa được cấp thẻ mới. Tỷ lệ cấp đổi thẻ khá cao đối với HDV sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngược lại, với một số ngoại ngữ ít thông dụng như tiếng Trung, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ả Rập… thì tỷ lệ cấp thẻ còn thấp do nhiều HDV không có bằng tốt nghiệp đại học hoặc chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu. Nhiều người hoạt động trong ngành du lịch cho rằng, quy định trên có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nghiêm trọng HDV du lịch quốc tế, nhất là với các ngoại ngữ không thông dụng.
Đã từ lâu, sự thiếu hụt HDV luôn là chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", đặc biệt là với những ngoại ngữ không thông dụng thì lực lượng HDV quá ít so với nhu cầu. Cụ thể, nguồn HDV tiếng Nhật hiện chỉ chiếm 6,62%, tiếng Đức 6,24%, tiếng Nga 4,5%, tiếng Tây Ban Nha chiếm 1,71%, tiếng Thái Lan 0,8%... Thậm chí, cả nước chỉ có 2 HDV tiếng Bungary hay tiếng Indonesia. Đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều và đa dạng về quốc tịch nhưng đội ngũ HDV du lịch chủ yếu chỉ biết tiếng Anh và Pháp. Do thiếu trầm trọng HDV thành thạo ngoại ngữ hiếm nên thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng cộng tác viên. Ví như HDV khách Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh đều là Hoa kiều; tại miền Trung, những người đã từng sống và làm việc trên đất Xiêm đã được chọn làm HDV cho những đoàn khách Thái Lan; 50% lực lượng HDV tiếng Đức đều là những những người từng lao động tại Đức... "Trước khi sử dụng nguồn HDV không chuyên, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tổ chức khóa đào tạo bài bản về nghiệp vụ HDV du lịch cho họ. Nhờ vậy, nhiều người đã trở thành HDV chuyên nghiệp với những kinh nghiệm được tích lũy từ nhiều năm theo nghề. Bây giờ, chỉ vì thiếu tấm bằng đại học mà không được cấp thẻ hành nghề, họ có nguy cơ thất nghiệp, ngành du lịch sẽ mất đi một lực lượng lớn HDV sử dụng ngoại ngữ hiếm", đại diện Saigontourist nhấn mạnh.
Nhiều công ty du lịch đang đối mặt với hậu quả từ việc mất một lượng không nhỏ HDV mà họ phải đỏ mắt tìm và dày công đào tạo. Do đó, trong khi chưa có lối ra, nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng "chui" lực lượng HDV không có thẻ hành nghề. Gần đây, tại Đà Nẵng, lượng khách Trung Quốc gia tăng, trong khi HDV có thẻ biết tiếng Trung rất ít. Vì vậy, Đà Nẵng đã phải ký văn bản thỏa thuận với Huế và Quảng Nam về việc cho phép những người biết tiếng Trung, có kinh nghiệm được dẫn đoàn với sự bảo lãnh của các công ty lữ hành. Theo Sở VH, TT& DL Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã phải bỏ tiền tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại Trung Quốc. Vì vậy, địa phương sẽ không để tình trạng chỉ vì thiếu HDV tiếng Trung được cấp thẻ hành nghề mà mất đi nguồn khách đầy tiềm năng.
Cần cơ chế mở
Trước thực tế trên, mới đây, Bộ VH, TT& DL đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về việc cấp thẻ tạm thời cho HDV quốc tế. Hầu hết ý kiến đóng góp đều cho thấy, để "hợp thức hóa" việc hành nghề của đội ngũ HDV giàu kinh nghiệm nhưng lại thiếu bằng đại học thì cần tổ chức các lớp bổ túc kiến thức, giúp HDV hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp. Không nên đột ngột dừng cấp thẻ hành nghề, bởi điều đó sẽ khiến doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị lực lượng.
Kinh nghiệm của Công ty Du lịch Hanoitourist được Giám đốc Lưu Đức Kế chia sẻ: Hằng năm, doanh nghiệp đều tổ chức thi nghiệp vụ nhằm đánh giá lại năng lực của từng HDV. Nhiều HDV, dù không có bằng đại học nhưng sự am hiểu, kiến thức về văn hóa, lịch sử được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế và vốn ngoại ngữ còn tốt hơn cả những HDV được đào tạo bài bản. Theo ông Lưu Đức Kế, Tổng cục Du lịch nên giao cho các doanh nghiệp lữ hành là đầu mối quản lý chất lượng nguồn HDV. Nếu phát hiện thấy HDV sai phạm, không bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn hành nghề thì đơn vị lữ hành đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, ở các nước châu Âu, quản lý HDV là việc của hãng lữ hành. Nếu tuyển chọn HDV kém chất lượng, công ty sẽ thiệt thòi vì bị mất khách. Khi công ty nhận hợp đồng đón khách sẽ biết khách có nhu cầu ra sao và sắp xếp HDV phù hợp, chứ không nhất thiết HDV phải có bằng đại học bởi đây là một nghề có tính đặc thù. Do đó, Tổng cục Du lịch nên xem xét lại các quy định về tiêu chuẩn cấp thẻ cho HDV. Ngoài ra, HDV sử dụng ngoại ngữ hiếm có thể được cấp thẻ tạm thời với điều kiện cụ thể về đối tượng, thời hạn cấp và có doanh nghiệp bảo lãnh.
Hiện có 7 thứ tiếng được coi là ngôn ngữ hiếm ở thị trường du lịch Việt Nam, gồm: Nhật Bản, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Hàn Quốc, Đức và Thái Lan. Theo quy định của Tổng cục Du lịch, chỉ những HDV có thẻ mới được hướng dẫn du khách nước ngoài. Nhưng thực tế, các HDV không có thẻ đang hành nghề rất đông nên trong quý III và IV năm nay, Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành thanh - kiểm tra công tác cấp, đổi thẻ tại các cơ sở du lịch và hoạt động hành nghề HDV tại một số điểm du lịch trên toàn quốc. |